Trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ ngày 10/5, tiến sỹ Cư cũng cho rằng trong bối cảnh các quần đảo đang bị “xâm hại” bởi an ninh biên giới và sự tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, công tác di dân ra các đảo sinh sống cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Xung quanh vấn đề di dân ra đảo, ông Cư cho rằng Việt Nam có lợi thế “mặt tiền hướng biển,” vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền với trên 3.000 quần đảo lớn, nhỏ, thuận lợi trong giao thương với thế giới bên ngoài nhưng cũng “xung yếu” về mặt an ninh, quốc phòng. Vì vậy, di dân ra đảo là chủ trương hết sức đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh của một khu vực địa chính trị cực kỳ phức tạp - biển Đông, để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Theo đó, để thực hiện chiến lược này, Nhà nước sẽ xây dựng cơ sở vật chất, mỗi người có một ngôi nhà, trên đảo cũng có những hạ tầng tối thiểu như đường, trường học, bệnh viện đồng thời xây dựng những phương thức hoạt động sản xuất gắn với họ như đánh bắt hải sản, trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, theo ông Cư, cơ chế chính sách ưu đãi đối với các hộ dân tình nguyện ra đảo sinh sống chỉ là hỗ trợ ban đầu mang tính chất thu hút, trong lúc vấn đề di dân còn gặp nhiều khó khăn. Về lâu dài, việc ổn định cuộc sống cho cư dân trên đảo mới là điều quan trọng. Thực tế, việc di dân ra các đảo cũng như di dân trên đất liền đã thực hiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp, người dân ra đảo sống một thời gian rồi lại quay về, do điều kiện tự nhiên và an sinh xã hội trên đảo không đảm bảo để dân tái định cư, ổn định cuộc sống.
“Vì vậy, để công tác di dân ra đảo thật sự hiệu quả và bền vững, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, tìm giải pháp để những người dân ra đảo có thể yên tâm bám đảo và ổn định nguồn sinh kế về lâu dài,” ông Cư nhấn mạnh./.
Theo Vietnam+