Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 21/4/2010 21:31'(GMT+7)

Để du lịch không mãi là tiềm ẩn

Thành tựu mà ngành du lịch mang lại đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, đưa hình ảnh Việt Nam ra với bạn bè quốc tế trong những năm qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế tiềm năng của một đất nước được được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều danh thắng, vị thế, có hàng nghìn năm văn hiến với nền văn hoá riêng biệt, con người thân thiện mến khách thì những thành tựu đó chưa xứng.

Có thể khẳng định, khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành nói riêng vẫn còn yếu nếu so sánh với những quốc gia láng giềng trong khu vực.

So với các quốc gia Đông Nam Á, tính cạnh tranh giá cả của Việt Nam là tốt nhất, nhưng lại kém hơn các quốc gia cạnh tranh còn lại trên mọi phương diện khác. Singapore kém cạnh tranh nhất về phương diện môi trường do mật độ dân cư của quốc gia này quá cao nhưng lại dẫn đầu về tính cạnh tranh của tất cả các phương diện còn lại. Thái Lan luôn có tính cạnh tranh tốt hơn Việt Nam xét trên mọi phương diện ngoại trừ giá cả và môi trường. Tuy nhiên, đối với phòng ngủ là một khoản chi tiêu lớn nhất của khách du lịch thì hai đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Malaysia và Thái lan vẫn có mức giá cạnh tranh hơn Việt Nam. Mức độ cạnh tranh về giá phòng ngủ được xác định trên cơ sở chỉ số giá của khách sạn. Thái Lan được coi là nước cạnh tranh nhất về giá khách sạn.

Việt Nam là một nước mới gia nhập thị trường du lịch quốc tế, có rất nhiều cơ hội cũng như là thách thức đối với việc phát triển điều kiện “cầu” cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Đặc biệt, đã tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp cao quốc tế và đã mở cửa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, Việt Nam đang có cơ hội làm sống lại thị trường du lịch quốc tế bằng hình ảnh một điểm đến an toàn, hấp dẫn và cởi mở. Mối đe dọa đối với việc phát triển điều kiện cầu du lịch là thị trường du lịch nội địa còn nhỏ nếu xét trên góc độ thu nhập du lịch (20% tổng thu ngành du lịch) và thị phần du lịch của Việt Nam trong khu vực quá nhỏ khiến cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước có thể phải cạnh tranh với những doanh nghiệp du lịch lớn hơn trong khu vực.

Đối với chỉ số cơ sở hạ tầng cơ bản được đo bằng độ dài và chất lượng đường giao thông, dịch vụ vệ sinh, cấp nước và xe lửa thì Việt Nam thua xa đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Cơ sở hạ tầng yếu kém là một nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế khó chịu nhất khi đi du lịch Việt Nam. Cùng với tình trạng tắc nghẽn giao thông, quy định tốc độ giao thông không hợp lý trên một số tuyến du lịch làm cho chỉ số cạnh tranh về cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp. Đây là một vấn đề nan giải đối với ngành Du lịch Việt Nam khi mà việc cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng cần có thời gian và nguồn vốn đầu tư lớn...

Việt Nam đang tiến hành thực hiện các cam kết cho phép thành lập pháp nhân thực hiện kinh doanh dịch vụ đại lý lữ hành và kinh doanh lữ hành, sắp xếp chỗ trong khách sạn ảnh hưởng lớn nhất đối với các doanh nghiệp du lịch lữ hành khai thác khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Việc cho phép thêm các doanh nghiệp du lịch lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ kinh doanh gửi khách tại thị trường Việt Nam sẽ tăng thêm năng lực khai thác khách du lịch trong những năm tới sẽ phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, lượng khách du lịch công vụ, hội nghị sẽ tăng mạnh khi Việt Nam được lực chọn đăng cái các sự kiện lớn quốc tế. Hội nhập trong lĩnh vực du lịch cũng là sức ép buộc các doanh nghiệp du lịch trong nước phải có sự cải cách mạnh mẽ để nâng coa năng lực cạnh tranh. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận và học hỏi trình độ quản lý tiên tiến của các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài với năng lực tài chính mạnh, kinh nghiệm lâu năm và lợi thế quy mô cũng sẽ là thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Cùng với việc mất thị trường, các doanh nghiệp lữ hành khai thác nội địa cũng sẽ có khả năng mất nguồn nhân lực chất lượng cao do hiện tượng chảy máu chất xám vì khả năng hàng loạt những người quản lý giỏi, những hướng dẫn viên giỏi ở các công ty trong nước hiện nay sẽ bị thu hút về các công ty nước ngoài do mức thu nhập tăng cao và các điều kiện làm việc chuyên nghiệp.

Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp du lịch trong nước cần phải đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo, nâng cao trình độ quạn trinh, kinh doanh, tiếp viên đồng thời áp dụng các công nghệ du lịch tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và viễn thông vào hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến, tham gia vào các hệ thống phối chỗ toàn cầu nhằm phục vụ hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu trong du lịch./.

Ngọc Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất