Trước đây, 3G luôn được định kiến với hình tượng của một công nghệ viễn thông xa xỉ dành cho người giàu. Với triết lý kinh doanh, cách làm của riêng mình, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) muốn xã hội thay đổi góc nhìn đối với công nghệ này: 3G là của tất cả mọi người!
Phủ sóng 3G toàn bộ đất nước
Vẫn trung thành với triết lý “mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau” nên ngay tại thời điểm khai trương, mạng 3G của Viettel đã có hơn 8.000 trạm BTS – cao hơn 1,5 lần so với cam kết của Viettel với Bộ Thông tin và Truyền thông (cam kết là 5000 trạm). Viettel trở thành mạng di động 3G có vùng phủ rộng nhất, tới tận 100% trung tâm huyện và vùng phụ cận của 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn bộ hệ thống mạng lưới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật 3G đều do cán bộ công nhân viên của Viettel tự xây dựng, thiết kế, lắp đặt. Vì vậy, tới thời điểm này, Viettel đã làm chủ, kiểm soát tốt chất lượng của mạng 3G. Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết: "Với quan điểm mạng 3G phải tốt và rộng khắp như mạng 2G, dự kiến đến hết năm 2010 Viettel sẽ có hệ thống hạ tầng lên đến gần 20.000 trạm phát sóng 3G".
Muốn ổn định chất lượng dịch vụ trước khi chính thức kinh doanh nên các bước đi của Viettel rất thận trọng. Dù bắt đầu được thử nghiệm 3G từ 10-10-2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thử nghiệm trên phạm vi toàn quốc từ ngày 20-1-2010. Nhưng phải đến ngày 25-3-2010, Viettel mới chính thức cung cấp 3G (vẫn sớm hơn 2 tháng so với cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông).
Theo ông Tống Viết Trung, ở thời điểm hiện tại tốc độ kết nối của mạng 3G Viettel tương đương và có phần nhanh hơn so với kết nối ADSL truyền thống. Viettel triển khai công nghệ tiên tiến nhất là HSPA trên toàn mạng với tốc độ tải dữ liệu trên lý thuyết là 14.4 Mbps download (tải dữ liệu xuống) và upload (đẩy dữ liệu lên) là 5.7 Mbps, sẵn sàng cho HSPA+ với tốc độ tải dữ liệu lên đến 21 Mbps. Tốc độ kết nối này được bảo đảm ở cả vùng sâu, vùng xa của các tỉnh thành trên cả nước.
Một số dịch vụ 3G rẻ hơn 2G
Từ thời điểm bắt đầu thử nghiệm đến nay, Viettel đã có hơn 1 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ 3G. “Dịch vụ viễn thông, dù 2G hay 3G đều là dịch vụ cơ bản, thiết yếu của cuộc sống. Công nghệ 3G không chỉ dành cho giới trẻ hay những người có thu nhập cao trong xã hội, mà đây sẽ là công nghệ băng rộng phục vụ cho mọi người dân Việt Nam.” Ông Tống Viết Trung chia sẻ.
Với mạng 3G, hiện Viettel đang cung cấp cho khách hàng 3 dịch vụ cơ bản gồm: Video Call, dịch vụ truy nhập internet băng rộng tốc độ cao Mobile Internet (dành cho điện thoại di động), D-com 3G (dành cho máy tính) và 7 dịch vụ giá trị gia tăng: MobiTV, Imuzik 3G, Mclip, Vmail, Websurf, Mstore, Games.
Về giá cước sử dụng dịch vụ 3G, ông Trung cho biết, Viettel vẫn tiếp tục quan điểm biến dịch vụ viễn thông từ xa xỉ trở thành bình dân. Dịch vụ 3G đã được Viettel bình dân hóa bằng việc thiết kế chính sách giá cước thấp nhất, thậm chí chi phí sử dụng data trên nền 3G còn rẻ hơn 2G. Chỉ cần 10.000 đồng/tháng khách hàng đã có thể sử dụng dịch vụ Mobile Internet 3G (truy cập internet bằng điện thoại di động) và 30.000 đồng/tháng cho dịch vụ D-com 3G (truy cập internet qua máy tính).
Do 3G là công nghệ mới, hiện đại có những đòi hỏi cao về sự tương xứng công nghệ của các thiết bị đầu cuối (điện thoại di động, máy tính) nên đã tạo ra rào cản nhất định cho những người muốn sử dụng dịch vụ, do các thiết bị đầu cuối này thường rất đắt tiền. Để khắc phục, Viettel đang gấp rút xúc tiến kế hoạch sản xuất điện thoại di động 3G, máy tính theo các thiết kế riêng và mang thương hiệu của Viettel. Trong đó, có những dòng điện thoại 3G giá rẻ.
Công nghệ 3G sẽ giúp giải bài toán phát triển hạ tầng công nghệ thông tin-viễn thông phù hợp với đặc điểm riêng của Việt Nam (địa hình trải dài, dân cư phân bổ không đồng đều), đưa băng thông rộng tới hơn 18 triệu hộ gia đình, hơn 50 triệu người dân (gần 60% dân số) ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với những nỗ lực của Viettel, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia có mạng 3G phủ xuống tận cấp huyện. Và Việt Nam cũng sẽ trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số được tiếp cận với kết nối băng rộng cao nhất thế giới (86%). Đây là cơ sở để Việt Nam có thể trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin./.
(Theo: QĐND)