Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 20/4/2010 22:2'(GMT+7)

Điều chỉnh tỷ giá: Siết chặt được nạn đầu cơ?

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ngày 10/2/2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD liên ngân hàng. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng điều chỉnh từ mức 17.941 đồng/USD lên 18.544 đồng/USD, tăng khoảng 3,3%. Như vậy, với biên độ tỷ giá hiện nay là +/-3%, tỷ giá giao dịch tối đa mà các tổ chức tín dụng được áp dụng là 19.100 đồng/USD. Theo NHNN, mục đích của việc điều chỉnh tỷ giá là nhằm cân đối hài hòa cung - cầu ngoại tệ, góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngay sau khi quyết định được ban hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh tỷ giá lên mức khá cao.

Công bằng mà nói, việc điều chỉnh này có mặt tích cực của nó, đã đưa tỷ giá USD của ngân hàng về gần hơn với mức giao dịch của thị trường tự do. Trong khuôn khổ hành lang tỷ giá mới với mức trần là 19.100 VND/USD, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và tự do giảm xuống còn 100-500 đồng/USD (chênh lệch 0,8-2,5%), người nắm giữ ngoại tệ có thể sẽ tăng bán USD cho ngân hàng, tăng cung trên thị trường chính thức. Điều đó cho thấy áp lực của biện pháp làm cho VND hấp dẫn hơn so với USD và yêu cầu các tổng công ty nhà nước bán ra USD trong 2 tháng qua là chưa đủ mạnh để ổn định sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ khi mà tỷ giá ngân hàng thấp hơn tỷ giá thị trường tự do từ 700 đến 1.000 VND/ 1 USD (chênh lệch 5-7%).

Có lẽ, mọi tính toán của NHNN đều đúng và mọi người có cơ sở để tin rằng thị trường ngoại tệ sẽ ổn định sau những biện pháp mạnh này. Thế nhưng, trên thực tế, song song với việc điều chỉnh giá USD của các ngân hàng, giá USD trên thị trường tự do cũng tăng cao tương ứng. Mặc dù đã điều chỉnh giá mua USD lên mức rất cao, các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua đồng tiền này. Trong khi đó, tại hầu hết các điểm thu đổi ngoại tệ, giá USD đã tăng hơn, lần lượt là 19.300 đồng/USD (mua vào) và 19.600 đồng/USD (bán ra). Bên cạnh đó cũng có không ít chuyên gia cảnh báo về những phản ứng tiêu cực sau khi điều chỉnh tỷ giá. Bởi bối cảnh của điều chỉnh tỷ giá lần này có thể gây nên những hoài nghi về các chính sách ổn định tỷ giá của NHNN trong thời gian trước. Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ cho hay, giá bán ra được nâng cao do nhu cầu mua USD gần đây tăng mạnh, các đại lý đều khan hàng để bán. Trước những diễn biến trên, nhiều chuyên gia lo ngại việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN đúng nhưng chưa đủ và chưa “trúng” thời điểm.

Có thể nói, tác động tới kỳ vọng của thị trường thông qua từng bước điều chỉnh tỷ giá USD/VND đóng vai trò quan trọng trong việc cân đối lại danh mục nắm giữ tiền của người dân và DN. Tuy điều chỉnh tỷ giá có thể làm tăng nợ nước ngoài, đặc biệt là đối với các DNNN, nhưng chính sách này là cần thiết vì lợi ích toàn cục của nền kinh tế. Hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá cũng phát đi tín hiệu buộc các DNNN phải thận trọng hơn khi vay USD. Như vậy, thực tế chứng minh sự thành công của chính sách vĩ mô phụ thuộc không chỉ vào sự đúng đắn của chính sách, mà còn bị chi phối rất nhiều bởi niềm tin của các tác nhân thị trường vào cơ quan quản lý vĩ mô. Khi các cơ quan này có được niềm tin của thị trường, điều đó đồng nghĩa với việc hiệu lực của các chính sách vĩ mô trở nên rõ ràng hơn. Muốn vậy, một thái độ thực sự cầu thị cùng hệ thống chính sách đúng đắn, nhất quán và một cơ chế giao tiếp thông tin chính xác, kịp thời với người dân, DN, thị trường là những điều kiện tiên quyết.

Có thể thấy rõ hơn nhận định trên qua phân tích của PGS.,TS Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế TP.HCM: Thực tế, trong thời gian gần đây NHNN đã có một loạt chính sách nhằm bình ổn giá vàng theo tín hiệu thị trường, tuy nhiên chúng ta không thể cứ chạy theo thị trường mãi vì nó sẽ làm mất niềm tin vào sự ổn định của đồng tiền trong nước. Để bình ổn thị trường vàng cũng như ngoại hối, Chính phủ phải kết hợp giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu, đẩy mạnh kết hối ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty (vừa rồi ta đã làm và cần tiếp tục thực hiện) và tiến tới một bước nữa là kết hối nguồn ngoại tệ từ kiều hối của người dân (buộc người dân phải bán lại kiều hối ngoại tệ cho ngân hàng hoặc gửi tại ngân hàng). Có nguồn ngoại tệ, thì mới có thể mở rộng việc cấp quota nhập vàng cho cả các công ty khác chứ không chỉ cho riêng SJC như hiện nay, đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh. Điều này sẽ giúp giá vàng của Việt Nam và thế giới liên thông với nhau, như vậy sẽ giúp giá USD tiền mặt không tăng. Và khi giá USD ở thị trường chợ đen được kiềm chế thì giá USD trong và ngoài ngân hàng sẽ xích lại gần nhau hơn. Được như vậy, người dân sẽ cảm thấy không bị thiệt thòi bởi việc kết hối từ nguồn kiều hối. Nếu không người dân cũng như DN cứ mải mê giải bài toán - giá vàng thế giới giảm thì các công ty trong nước giữ giá để nâng giá USD lên nhằm kiếm lời. Tại sao vậy? Vì chênh lệch giá vàng cao sẽ tạo điều kiện cho nhập lậu vàng (phải gom USD trên thị trường chợ đen để nhập vàng). Kiều hối trở lại ngân hàng nhằm hỗ trợ cho các công ty nhập vàng cũng như có tác dụng giúp thị trường trong nước và thế giới liên thông... "Làm được như vậy thì sẽ không còn tồn tại vấn đề nhập lậu, đồng thời giúp giá USD tiền mặt không tăng vô tội vạ như thời gian vừa qua. NHNN cũng có thể phát hành trái phiếu vàng để huy động vàng và bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Hiện nay trong kho của các NHTM, vàng còn rất nhiều (người dân gửi vào, ngân hàng chỉ để cho vay không thể bán được), và các ngân hàng lại phải tốn rất nhiều chi phí để bảo vệ số vàng này". PGS.,TS Ngân bổ sung cho kiến giải cả mình./.

Quỳnh Chi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất