Thứ Tư, 25/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Tư, 23/2/2011 21:30'(GMT+7)

Để hội thảo thực chất hơn

Một thực tế là hiện nay chúng ta tổ chức hội thảo tràn lan, việc lớn việc nhỏ gì cũng hội thảo. Chưa kể, nhiều nơi cố gắng lôi kéo, mời mọc bằng được những giáo sư này, tiến sĩ nọ đến tham dự hội thảo cho… đông vui, cho oai, còn thực chất những việc cần phải làm tiếp sau những cuộc hội thảo khoa học này thì khá mơ hồ.

Tại một hội thảo quốc gia về văn hóa giao thông tổ chức tại TPHCM cách đây chưa lâu, nhiều đại biểu tham dự đã tỏ ý ngạc nhiên trước cách làm việc của những người tổ chức. Tiếng là hội thảo quốc gia nhưng cách thức họ làm việc rất kém khoa học. Tài liệu dành cho khách mời tham dự được phát khá “tiết kiệm”, người có người không, bài tham luận một số được đóng tập, số khác thì kẹp tạm nên rơi vãi tung tóe.

Một nữ tiến sĩ lên bục phát biểu: “Tôi có bài tham luận 3 trang, đã được in trong tài liệu nên các đại biểu vui lòng xem qua, tôi xin phép không đọc lại để khỏi làm mất thời giờ của quý vị”, một vị chủ tọa liền xua tay: “Không, cô cứ… đọc bài tham luận của mình đi, tôi thấy cô viết khá hay”.

Phần trình bày của một nhà văn nam, ông tiếp tục nhắc: “Đọc đi đừng có nói nữa. Anh cố gắng… đọc làm sao cho chính xác, mạch lạc, tránh việc đọc sa đà”. Đến phần trình bày của họa sĩ L., vị chủ tọa này lại phán: “Anh nói dở hơn bài anh viết. Quý vị nên cảnh giác điều này, viết hay nhưng nói thì không hay”?!

Nhiều đại biểu và khách mời có mặt tại hội thảo hôm ấy đã rất ngạc nhiên khi những người tổ chức một hội thảo khoa học cấp quốc gia lại làm chuyện ngược đời: thay vì để đại biểu nhận định sâu một khía cạnh mình quan tâm (qua đó có thể khơi gợi nhiều góc nhìn, đánh giá, tranh luận của các đại biểu, chuyên gia khác - như mục đích chính của hội thảo) thì ở đây, họ lại khuyến khích các đại biểu cứ phải đọc mà không phải là trình bày vấn đề của mình!? Và kết cục là, có đến 13 cá nhân, đơn vị trong danh sách đại biểu sẽ trình bày, không ai lên phát biểu.

Gần đây nhất, hội thảo quốc tế “Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ và những lối hòa đàn ngẫu hứng” (nhằm tập hợp tư liệu để xây dựng hồ sơ quốc gia về ĐCTT Nam bộ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), được giới chuyên môn đánh giá rất quan trọng và khá thành công nhưng cũng không tránh khỏi sạn.

Vài đại biểu lên trình bày tham luận của mình đã cho rằng: “Tôi là người ngoại đạo, không biết gì nhiều về ĐCTT Nam bộ…”. Ngỡ là họ khiêm tốn nhưng quả là họ không biết thật. Nhìn vào bài tham luận mới thấy, từ đầu chí cuối toàn là sao chép, trích dẫn ý kiến của người này người nọ, mà chẳng có dòng nào là nhìn nhận của riêng mình!

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo quốc tế này đã xuýt xoa, tiếc rẻ một cơ hội vì không đủ thời gian để giới thiệu những nét độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật này với các nhà nghiên cứu quốc tế. Riêng chúng tôi cứ thắc mắc, họ tham gia cho vui để được giới thiệu trân trọng, hay đơn giản chỉ cần được vỗ tay, được người ta biết đến học hàm học vị của mình?./.

(Minh Thy/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất