Thứ Tư, 25/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Năm, 13/1/2011 16:12'(GMT+7)

Cân… đảng viên

Trong một lần đi công tác ở thị trấn Hưng Hóa thuộc huyện Tam Nông (Phú Thọ), tôi vào chợ của thị trấn mua một số mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày. Lúc chị bán hàng đang cân cho tôi 1 kg chè, tôi thận trọng hỏi:

- Cân này của chị có chính xác không?

Chị bán hàng tươi cười đáp:

- Anh cứ yên tâm. Đây là loại cân “xịn”, “cân đảng viên” mà!

Nghe từ “cân đảng viên” rất lạ tai, tôi hơi bất ngờ và tò mò hỏi lại:

- “Cân đảng viên” nghĩa là thế nào hả chị?

Chị bán hàng trả lời không một chút đắn đo, do dự:

- Gọi là “cân đảng viên” vì đây là loại cân đủ, chính xác một trăm phần trăm. Khi cân không thừa một ly, không non một tí nào cả. Đảng viên vốn là người của Đảng rất trung thực, họ không ăn bớt hay cắt xén của người khác bất cứ cái gì. Đây còn là loại cân rất công bằng. Nó công bằng không chỉ dành cho tất cả những người mua hàng, dù lớn hay bé, gái hay trai, già hay trẻ, có vị trí xã hội hay không, giàu hay nghèo; mà còn thể hiện ở lúc bán hàng nhiều hay ít, đắt hay rẻ đều được cân khách quan, trung thực, sòng phẳng và không mập mờ, gian dối. Như anh đã biết, khi đưa bất kỳ một loại hàng hoá, vật dụng nào lên để cân, dù nặng hay nhẹ, to hay nhỏ đều phải chi li, thận trọng. Cái cân sinh ra để xác định giá trị trọng lượng của vật và hàng hoá nên đòi hỏi phải có độ tin cậy và chính xác cao. Người ta thường gọi “cán cân công lý” để nói lên sự bình đẳng, công minh, công bằng của một nền pháp lý văn minh, tốt đẹp của xã hội. Do vậy, chúng tôi gọi là “cân đảng viên” để thể hiện phẩm chất trung thực của những người bán hàng như đức tính trung thực của những người đảng viên vì lẽ đó.

Lại một lần nữa tôi bị bất ngờ bởi cách nói năng lưu loát, rành mạch, khúc chiết của chị bán hàng. Tôi thầm cảm ơn vì chí ít lần đầu tiên thông qua chị, tôi được tiếp cận với một “khái niệm” rất mới mẻ và thú vị này. Đi dạo quanh một vòng chợ, qua tiếp xúc, trò chuyện tôi được biết, hầu như người bán hàng nào ở đây cũng sử dụng “cân đảng viên”. Không biết trong số những người bán hàng kia, có ai nói “cân đảng viên” mà lại cân sai, cân thiếu cho khách hàng không? Nhưng 1 kg chè tôi mua về cân lại đảm bảo chính xác 100%. Lời nói và việc làm của chị bán hàng hôm đó đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp.

Thế mới biết, từ một cái cân vốn vô tri, vô giác và nó chỉ biết đo giá trị trọng lượng, nhưng người ta đã khéo léo gắn thêm vào hai từ “đảng viên” làm cho cái cân như có linh hồn sống và biết nói. Càng ngẫm càng thấm thía hai từ “đảng viên”. Chỉ có 7 chữ cái hợp lại thành một danh từ “đảng viên” mà biết bao người coi đó là cái hướng phấn đấu, cái đích đi tới và là thần tượng để có người hy vọng, ước mơ, đồng thời cũng là niềm tin để cho bao người gửi gắm. Hai từ “đảng viên” lúc này đâu đơn thuần chỉ là một danh từ, một con người bình thường, cụ thể, mà trong ý nghĩa sâu xa của nó đã trở thành một nhân cách trọn vẹn, hoàn chỉnh và có sức lay động, lan toả rất lớn trong tình cảm và trái tim mọi người.

Thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa của hai từ “đảng viên”, xung quanh ta vẫn có biết bao đảng viên không ngại khó khăn, gian khổ, làm việc hết mình, một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân mà không màng danh lợi, địa vị. Đó là những tấm gương soi sáng cuộc đời, có sức lôi cuốn, hấp dẫn rất nhiều người trên con đường phấn đấu tiến bộ. Nhưng cũng có một số người lúc vô tình, khi cố ý đã làm mai một hình ảnh đảng viên trong sáng trong lòng nhân dân. Họ thường chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình mà không chú trọng làm tròn bổn phận, trách nhiệm của “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Điều đó đã làm cho những đảng viên chân chính thêm chạnh lòng và những người có lương tri cũng xót xa. Ai cũng biết, danh hiệu càng cao quý thì càng phải nâng niu, gìn giữ, trân trọng và phát huy. Đảng viên là một danh hiệu như thế nên càng cần được bảo vệ, quý trọng và tôn vinh./.

Thiện Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất