Thước đo tính thực chất của phong trào thi đua chính là mức độ phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm, ý chí phấn đấu của mỗi người, mỗi tập thể trong nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất, học tập, công tác.
Gặp tôi giữa Thủ đô, anh bạn đại diện cho một tập thể anh hùng về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII phấn khởi lắm. Vui vì gặp lại bạn cũ chỉ một phần, điều quan trọng đây là lần đầu tiên đơn vị được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc và anh là người đại diện. Nghe anh nói, quan sát những cử chỉ của bạn, tôi cảm nhận rất rõ “chất men” của phong trào thi đua yêu nước. Nhưng có lúc nét mặt anh bỗng nhiên trầm tư. Rồi anh kể lại chuyện: Hôm đơn vị đón nhận danh hiệu anh hùng, sau lời chúc mừng, một vài người hỏi anh: “Có phải “vận động” gì không đấy?”. Mặc dù đã giải thích ngọn ngành để mọi người hiểu tập thể mình được tặng danh hiệu anh hùng là hoàn toàn xứng đáng nhưng trong thâm tâm mình vẫn không khỏi suy nghĩ… Dừng lại giây lát, anh nói tiếp: “Tôi hy vọng Đại hội Thi đua yêu nước kỳ này không chỉ biểu dương những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, mà sẽ bàn bạc đề ra chủ trương, biện pháp khắc phục những hạn chế để đưa phong trào thi đua và công tác khen thưởng đi vào thực chất hơn”.
Tôi đồng tình với suy nghĩ của anh bạn. Trong những bước thăng trầm suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã ra đời. Chính cái “chất men” mà phong trào thi đua yêu nước tạo ra là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và vững bước trên con đường đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt, cái được là cơ bản, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng ở một số ngành, địa phương, cơ quan đang có vấn đề, đặc biệt là tính thực chất của phong trào thi đua. Tình trạng phát động thi đua kiểu “té nước” theo sự chỉ đạo từ cấp trên nên nội dung, hình thức thi đua không phù hợp với thực tiễn, có “phát” mà không “động”, không kiểm tra, đôn đốc; không sơ kết rút kinh nghiệm… diễn ra ở không ít nơi. Biểu hiện gian dối, che giấu khuyết điểm, tô hồng thành tích, nói vống công lao, thậm chí nặn ra thành tích… không phải đã hết. Trong đánh giá thành tích để khen thưởng, tuyên dương vẫn còn hiện tượng thiếu dân chủ trong bình xét; cảm tình; nể nang; khen thưởng tràn lan; khen không đúng đối tượng; khen thưởng không kịp thời… Tất cả những điều ấy đã làm mất đi ý nghĩa, mục đích, tính thực chất của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.
Thi đua thực chất trước hết thể hiện ở sự hưởng ứng, vào cuộc của nhân dân. Để huy động được sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh thì phong trào thi đua yêu nước phải: “Dựa vào lực lượng của dân – Tinh thần của dân – Để gây hạnh phúc cho dân”. Chỉ với bấy nhiêu thôi đã đủ thấy mục đích phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng của Người là rất rõ ràng, cụ thể đó là: “Để gây hạnh phúc cho dân” và vì thế phong trào đã động viên, cổ vũ được sự vào cuộc của mọi giai tầng trong xã hội. Trong điều kiện mới, mục đích, nội dung của phong trào thi đua càng phải cụ thể, rõ ràng. Việc đề ra mục đích, nội dung của thi đua phải được xem xét một cách khoa học, kỹ lưỡng. Mục đích thi đua phải gắn liền với nhiệm vụ của cách mạng và ngày nay mục đích mà phong trào thi đua cần hướng tới chính là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ mục tiêu chung đó trong từng thời kỳ, từng giai đoạn; với từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị phải có những mục tiêu cụ thể, rõ ràng, bám sát nhiệm vụ chính trị, đi kèm với những chỉ tiêu thi đua phù hợp với khả năng phấn đấu của quần chúng. Cùng với khơi dậy tự giác hưởng ứng của nhân dân thì lãnh đạo, chính quyền, cơ quan chức năng không thể bỏ qua việc kiểm tra, đôn đốc. Ngoài tác dụng điều chỉnh, uốn nắn để phong trào đi đúng hướng, kiểm tra thường xuyên còn là cơ sở để xem xét, đánh giá kết quả phong trào thi đua khách quan, chính xác hơn.
Tính thực chất của phong trào thi đua yêu nước còn biểu hiện ở việc nhân rộng các nhân tố mới và tác dụng lan tỏa của các điển hình tiên tiến. Một vấn đề không kém phần quan trọng liên quan là phải duy trì có nền nếp việc sơ, tổng kết rút kinh nghiệm phong trào thi đua, đi kèm với đó là bình xét chính xác, khen thưởng công minh, kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật và xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có sai phạm. Sẽ là thiếu thuyết phục, thiếu cảm hóa nếu ai đó vì tình riêng, trục lợi mà bao che khuyết điểm, tô hồng thành tích để rồi khen thưởng tràn lan, không đúng người, đúng việc. Thước đo tính thực chất của phong trào thi đua chính là mức độ phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm, ý chí phấn đấu của mỗi người, mỗi tập thể trong nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất, học tập, công tác. Điều đó phụ thuộc rất lớn nếu không muốn nói là có tính quyết định ở thái độ trung thực trong hưởng ứng phong trào thi đua và tiến hành công tác khen thưởng. Một phong trào thi đua chân chính, thực chất không có chỗ cho những cách làm gian dối./.
(Phùng Kim Lân/QĐND)