Thứ Tư, 25/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Chủ Nhật, 2/1/2011 12:53'(GMT+7)

Xin được... nghèo!

Mới đây, lên công tác ở một xã miền núi, anh bạn đồng hương dẫn tôi đến dự cuộc họp bình xét hộ nghèo ở bản M. Sau khi trưởng bản nói rõ nội dung cuộc họp và đọc danh sách dự kiến hộ nghèo rồi hỏi: “Tôi vừa thông qua danh sách hộ nghèo, bà con ý kiến gì không”?

Những cánh tay nhao nhao giơ lên. Trưởng bản chưa kịp mời ai, bỗng nhiên một chị tuổi trung niên đứng dậy, giơ hai bàn tay chìa trước mặt, giọng nỉ non, khổ sở:

- Đây, mọi người nhìn rõ bàn tay tôi đây này. Mới 30 tuổi mà đôi tay gân guốc, gầy gò, chai sạn do phải làm quần quật quanh năm suốt tháng mà vẫn không đủ nuôi 3 đứa con ăn học. Chồng tôi thì thỉnh thoảng lại ốm đau, có đồng nào phải mua thuốc hết. Hoàn cảnh nhà tôi như vậy mà sao nhà tôi lại không thuộc diện hộ nghèo?

Chị vừa ngừng lời, một thanh niên đứng phắt dậy, giọng bức xúc:

- Nhà tôi tuy có cái xe máy “Tàu” giá hơn 7 triệu đồng, nhưng trong nhà cũng chẳng có tài sản nào đáng giá hơn. Trong khi đó, có nhà có những 4 con trâu, vụ gặt vừa qua thu được hai tấn thóc, cố tình bán gần hết rồi khai báo là trả nợ hết để được hưởng tiêu chuẩn hộ nghèo. Làm như thế là không công bằng.

- Anh ấy nói đúng đấy - Một chị phụ nữ tiếp lời - Không công bằng ở chỗ, có nhà đã hai, ba năm được “hưởng” hộ nghèo rồi mà không biết “nhường” cho các gia đình khác. Sống như vậy là có phần “ích kỷ” đấy!

Từ bàn tán xì xào, tranh luận ồn ã đến cãi vã nhau ỏm tỏi, cuộc họp nhốn nháo hơn cả cái chợ. Bực mình, anh trưởng bản chủ tọa đập mạnh tay xuống bàn mấy lần, yêu cầu mọi người trật tự, rồi tuyên bố: “Cuộc họp kết thúc ở đây. Ngày mai, chúng tôi cùng cán bộ chuyên môn của xã sẽ đến tận nhà kiểm tra, xem xét tài sản lại thực tế của mỗi gia đình. Phải làm lại chặt chẽ ngay từ đầu để tránh hoài nghi, dị nghị và mất đoàn kết như cuộc họp hôm nay”.

Mọi người lục tục ra về. Chốc lát, nhà văn hóa thôn lại vắng như chùa bà đanh giữa triền đồi lộng gió. Anh bạn đồng hương than thở với tôi:

- Chỉ vì lợi ích trước mắt mà rất nhiều chủ gia đình muốn trở thành hộ nghèo. Tình trạng này diễn ra vài ba năm nay rồi.

- Nhưng anh có thấy cán bộ thôn, xã làm công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bà con phải có ý thức vượt khó, vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lực của mình, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước không?

- Có, nhưng chỉ nói chung chung thôi. Đều có mối quan hệ “dây mơ rễ má” với người dân nên họ không làm đến nơi đến chốn do sợ bà con phật ý, mất lòng.

Câu chuyện tranh nhau làm hộ nghèo không có gì mới. Nhưng được tận mắt chứng kiến việc bình xét hộ nghèo ở một bản vùng cao biên giới, tôi không khỏi chạnh lòng và ngẫm nghĩ: Nếu một bộ phận người dân vùng cao vẫn còn tư tưởng “há miệng chờ sung”, thì suốt đời họ sẽ không bao giờ thoát khỏi “vòng kim cô” của nghèo hèn, lạc hậu!

(Thiện Văn/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất