Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các lễ hội lớn nhỏ tại Hà Nội đã khai hội và điều có thể thấy tại các lễ hội là sự chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý, tổ chức. Có được kết quả đó, là do sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý văn hóa, các địa phương nhằm đưa lễ hội trở về đúng nghĩa là hoạt động văn hóa tâm linh lành mạnh, giàu bản sắc.
* Sự vào cuộc đồng bộ
Trên địa bàn Hà Nội có trên 1.000 lễ hội lớn nhỏ do vậy việc tổ chức, quản lý lễ hội để hoạt động văn hóa tâm linh này diễn ra văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc được các cấp ngành quan tâm. Bởi thực tế, không chỉ ở Hà Nội mà cả các địa phương khác, việc quản lý, tổ chức lễ hội thời gian qua còn để lại nhiều trăn trở như, tình trạng bạo lực trong cướp lộc, chèo kéo khách, văn minh nơi thờ tự chưa đảm bảo, hàng quán dịch vụ lộn xộn…
Chính do vậy, trước mùa lễ hội năm nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý, tổ chức. Đồng thời, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo văn minh, thiết thực, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Nếu những mùa lễ hội trước, các sở ngành thường lập các đoàn kiểm tra lễ hội riêng lẻ thì năm nay, UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, do lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội làm trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong tổ chức lễ hội, dịch vụ đổi tiền lẻ, kinh doanh ăn uống, hiện tượng ép giá, bắt chẹt khách, ăn xin, bói toán, cờ bạc….
Tại các địa phương, chính quyền sở tại cũng xây dựng những kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội để các lễ hội diễn ra trang trọng, lành mạnh, không phô trương, phát huy được bản sắc văn hóa. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, năm 2016, huyện tăng cường quản lý và tổ chức tốt các hoạch động, dịch vụ trong lễ hội. Trên địa bàn huyện có 34 lễ hội được tổ chức nhưng các tệ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan hầu như không có, an ninh đảm bảo. Tại các lễ hội đều có quy hoạch địa điểm hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu của người tham gia lễ hội và nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực bảo vệ chung của di tích.
Còn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, những ngày đầu năm, nhiều điểm di tích trên địa bàn thu hút đông đảo khách đến tham quan, chiêm bái như, di tích đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, đền Quán Đế, đình Kim Ngân, đình Yên Thái…Đặc biệt, đền Bạch Mã là một trong Tứ trấn Thăng Long nên lượng khách những ngày đầu năm tăng cao đột biến. Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã chỉ đạo chính quyền phường Hàng Buồm tổ chức trông giữ xe cố định cho du khách tại gầm cầu Chương Dương. Vào giờ cao điểm, phường Hàng Buồm luôn có lực lượng trực sẵn sàng để hướng dẫn các phương tiện lưu thông, vì vậy tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại đây luôn đảm bảo.
Tại các địa phương có lễ hội lớn như Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Ba Vì, Sơn Tây…, công tác tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều chuyển biến do vậy, mùa lễ hội năm nay, Hà Nội nhận được nhiều đánh giá tích cực. Những bất cập diễn ra tại các mùa lễ hội trước đến nay đã giảm.
* Cần tiếp tục chấn chỉnh
Mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương vẫn cần tiếp tục chấn chỉnh. Theo đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra lễ hội tại chùa Trầm (huyện Chương Mỹ) mới đây, chúng tôi ghi nhận, mặc dù lễ hội tổ chức theo quy mô năm lẻ nhưng trong thời gian này hàng quán, dịch vụ trước di tích mọc lên khá nhiều. Tại đây, có tới 3 – 4 hàng phi tiêu bắn bóng có thưởng, khu vực bày bán hàng lộn xộn và trong khuôn viên di tích còn lắp trò chơi tàu điện phục vụ trẻ nhỏ. Những hoạt động này không những không phù hợp với hoạt động lễ hội mà còn ảnh hưởng tới không gian tôn nghiêm của di tích.
Còn tại đền Đức Thánh Cả (huyện Ứng Hòa), khu vực bán hàng bố trí lấn chiếm cả đường đi. Đáng nói hơn cả, nhiều người đua nhau bán hàng, chèo kéo khách đi lễ, thậm chí còn cãi lộn nhau. Vô hình chung, một không gian tâm linh biến thành nơi lộn xộn của người dân khu vực này.
Ngoài ra, nhiều lễ hội, điểm di tích khác cũng còn nhiều bất cập như không để tiền giọt dầu đúng quy định, hàng quán bố trí lộn xộn, chèo kéo du khách. Điển hình như lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), mặc dù Ban tổ chức phối hợp với lực lượng công an tạm giữ, tịch thu phương tiện của nhiều đối tượng chèo kéo khách nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại. Còn tại Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa), đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan (huyện Gia Lâm)… tình trạng đặt tiền lẻ vẫn tràn lan. Hay việc các điểm trông giữ xe tự phát mọc lên còn nhiều, công tác quản lý các giá vé trông giữ xe tại các lễ hội, các di tích chưa tốt, thu quá mức quy định của thành phố, điển hình tại lễ hội đền Sóc Sơn, tổ đình Phúc Khánh…
Mùa lễ hội ở Hà Nội đã qua dịp cao điểm, tuy nhiên còn kéo dài đến hết tháng ba âm lịch và lượng người đi lễ vẫn còn đông. Có nghĩa, các cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương vẫn phải tiếp tục chấn chỉnh các bất cập trên, không chỉ mùa lễ hội này mà cả các mùa lễ hội tiếp theo để hoạt động lễ hội thực sự trở về đúng nghĩa là hoạt động văn hóa tâm linh lành mạnh, giàu bản sắc./.
Đinh Thị Thuận/TTXVN