Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 9/3/2016 17:41'(GMT+7)

Thành phố Yên Bái tăng cường phòng, chống văn hóa độc hại

Cùng với những điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn Thành phố, các sản phẩm văn hoá độc hại, kích động bạo lực, phản động cũng đã và đang xâm nhập vào đời sống xã hội, công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn Thành phố còn gặp nhiều khó khăn; nhất là công tác quản lý dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến game online có nội dung kích động, bạo lực. Việc phát tán những sản phẩm văn hóa độc hại trên mạng (như phim sex, bạo lực, các  trang web xấu đưa thông tin phức tạp, trái chiều nhằm nói xấu đảng, nhà nước, các sản phẩm độc hại xuất bản ở nước ngoài được tung lên mạng... ) làm ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, mà đối tượng chính là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, thanh niên đường phố... 

Xác định tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hoá, coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng năm, Thành ủy Yên Bái đã xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đưa nội dung chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội lồng ghép vào chương trình giảng dạy các lớp bồi dưỡng lý luận tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố; tuyên truyền qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên; thông qua sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, các cuộc họp thôn, tổ dân phố, qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan.

Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư, các nhà trường trên địa bàn thành phố đã chủ động gắn giáo dục cho học sinh thực hiện Quy chế văn hóa học đường và xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề. Các cấp bộ Đoàn trong thành phố tích cực triển khai nhiều loại hình tuyên truyền giáo dục như: du khảo về nguồn, gặp mặt truyền thống, tuyên dương các gương điển hình tiên tiến trong thanh niên, các cuộc thi: “Thanh niên học sinh thanh lịch”; "Thanh niên nói không với ma tuý", “Tuổi trẻ Yên Bái với văn hoá giao thông”, “Duyên dáng nữ sinh”, "thanh niên xây dựng đường phố văn hoá"...  nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống cho đoàn viên thanh niên. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền “Ngày pháp luật”, duy trì phát triển 50 đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, thực hiện đám cưới thanh niên văn minh tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng, đồng thời bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, các văn hóa phẩm độc hại.

Các phòng, ban, cơ quan chuyên môn chủ động, tích cực trong công tác phối hợp biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quy định thực hiện nếp sống văn hoá văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; hoạt động quảng cáo, viết, đặt biển hiệu, hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Intenerntet và thông tin trên mạng... 

Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW được chỉ đạo gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo chuyên đề hàng năm. Năm 2015, toàn thành phố có 90,5% hộ gia đình văn hóa; 70% thôn, tổ dân phố văn hóa; 85% cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa. Đây là nền tảng chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Chỉ đạo quán triệt Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, các buổi sinh hoạt ở khu dân cư, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác của các thành viên trong gia đình, tẩy chay, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có sự chuyển biến về tư tưởng, ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, cảnh giác với các sản phẩm văn hóa độc hại có nguy cơ xâm nhập, hủy hoại đạo đức xã hội của cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố.

Để triển khai có hiệu quả, cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp, kiểm soát phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào địa bàn. 5 năm qua, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã tổ chức 60 đợt kiểm tra, tiến hành kiểm tra 722 lượt điểm cơ sở kinh doanh, phát hiện, xử lý và lập biên bản vi phạm hành chính 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa; thu giữ 15 đầu sách có nội dung vi phạm. Tổng số tiền xử phạt các cơ sở vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước là 102.350.000 đồng. Thẩm định 36 hồ sơ xin cấp phép kinh doanh karaoke, 36 hồ sơ xin gia hạn giấy phép kinh doanh Karaoke, 24 hồ sơ xin cấp phép kinh doanh Đại lý Internet công cộng, 05 hồ sơ kinh doanh dịch vụ thể thao. Tiếp nhận cho 96 đơn vị, doanh nghiệp treo 1.742 băng quảng cáo thương mại, biểu diễn nghệ thuật. 

Công tác kiểm tra, quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa được tăng cường và được chú trọng đầu tư đúng mức. Nhìn chung các hoạt động văn hóa thời gian qua đảm bảo các quy định; tổ chức tốt các hội thi, biểu diễn nghệ thuật lành mạnh, từng bước nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Để tiếp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, gắn việc thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020”. Thực hiện quy chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành Công an - Văn hóa - Giáo dục - Quản lý thị trường trong công tác kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào địa bàn. Tập trung công tác quản lý dịch vụ Internet, coi đây là hướng chính trong việc ngăn chặn sự ảnh hưởng của văn hóa phẩm độc hại vào địa bàn thành phố. Kết hợp giữa công tác quản lý, xử lý nghiêm vi phạm với tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bài trừ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại./.

Nguyễn Thúy Mai -Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Yên Bái

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất