Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 9/3/2016 18:20'(GMT+7)

Tính mở của người dân Nam Bộ trong đời ca tài tử

Nguyễn Khánh Hoàng -Ban Tuyên giáo, Tỉnh Đoàn An Giang

Nguyễn Khánh Hoàng -Ban Tuyên giáo, Tỉnh Đoàn An Giang

Tính mở của người dân Nam Bộ là kết quả của sự kết hợp giữa tính linh hoạt trong truyền thống văn hóa người Việt với sự giao thoa các luồng văn hóa mở ở phương Tây thông qua việc giao thương, buôn bán với người nước ngoài cũng như trong quá trình đô hộ Nam Bộ của thực dân, đế quốc phương Tây. Tính mở trong Đờn ca tài tử được thể hiện ở nhiều khía cạnh trong đó chủ yếu là trong cách thức tổ chức, sinh hoạt và trong nội dung các bản nhạc Đờn ca tài tử.

Người Nam Bộ rất năng động trong việc nắm bắt thị hiếu, họ sẵn sàng kết hợp những cái mới trên nền cái cũ, cái truyền thống để tạo nên những loại hình nghệ thuật mà đến ngày nay vẫn còn sức hút như việc cải biên, kết hợp hai loại hình nghệ thuật Ca Huế và Nhạc lễ Nam Bộ thành loại hình nghệ thuật mới - Đờn ca tài tử. Hay như sự kết hợp giữa Đờn ca tài tử và Hát bội mà người Nam Bộ đã xây dựng nên loại hình nghệ thuật Cải lương mà “không chỉ được công chúng Nam Bộ yêu thích, mà còn nhanh chóng chiếm lĩnh lòng ái mộ của các nghệ sĩ, khán giả miền Bắc và miền Trung” (1, tr.50). Còn như Tân cổ giao duyên là loại hình nghệ thuật mà khi mới ra đời nhận nhiều phản ứng trái chiều, khi tân nhạc lúc này được cho là sản phẩm của văn hóa ngoại lai, đế quốc, nhưng lịch sử đã chứng minh, cùng với Cải lương, Tân cổ giao duyên đã đưa Đờn ca tài tử đến gần hơn với công chúng. Việc đưa đàn ghi-ta phím lõm - một sự cải biến nhạc cụ ghi-ta của phương Tây, hay việc đưa sáo - nhạc cụ bộ hơi - vào dàn nhạc tài tử cũng là một trong những điểm biến đổi của Đờn ca tài tử, sẵn sàng tiếp nhận giá trị mới thể hiện cho triết lý mở của người Nam Bộ.

Tính mở của người dân Nam Bộ còn thể hiện ở việc tiếp biến những tư tưởng triết học Trung Hoa cổ đại để hình thành nên cách thức tổ chức và sinh hoạt Đờn ca tài tử.

Trình tấu đàn trong Đờn ca tài tử là một đặc trưng cho sự tiếp biến nguyên lý Dịch học trong triết học Trung Hoa. Theo như GS,TS. Trần Văn Khê, người đờn ca tài tử “không bao giờ lập lại y khuôn lòng bản mà thầy đã dạy cho” (2) mà thường thêm vào đó sự sáng tạo của riêng mình. Họ vẫn lấy lòng bản làm gốc (bất dịch), xuất phát từ lòng bản mà sáng tạo thêm cách đờn (biến dịch) sao cho phù hợp với từng bài bản, giai điệu mà nghệ nhân muốn hướng đến. Đây được xem là nguyên tắc hàng đầu trong sinh hoạt tài tử, là cái gốc mà từ đó các nghệ nhân xây dựng bài bản, sử dụng nhạc cụ trình diễn sao cho phù hợp. 

Một trong những nét đặc trưng trong tính mở của người Việt nói chung, người Nam Bộ nói riêng, chính là việc các loại hình nghệ thuật dân gian, trong đó có Đờn ca tài tử, được xây dựng trên cơ sở thang âm ngũ cung của người Trung Hoa xưa là Thương - Giốc - Vũ - Chủy - Cung nhưng được cải biến để phù hợp với người Việt, với các âm cơ bản là Hò - Xự - Xang - Xê - Cống (tượng trưng cho Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) - được xây dựng trên cơ sở nguyên lý của Học thuyết Âm dương - Ngũ hành. Hàm chứa trong các âm là sắc thái biểu cảm của con người như Hò (hành Kim) - xuống giọng - phảng phất vẻ u buồn, Xự (hành Mộc) biểu hiện cho cảm xúc giận dữ, Xang (hành Thủy) biểu thị cho sự sợ hãi, Xê (hành Hỏa) vui tươi, nồng nhiệt và cũng mang tính cách năng động, Cống (hành Thổ) thể hiện vẻ lo lắng của con người. Việc các hợp âm diễn tả tâm trạng hỉ, nộ, ái, ố của con người mà nghệ thuật dân gian Việt Nam nói chung và Đờn ca tài tử nói riêng thường mang giai điệu du dương, nhẹ nhàng nhưng đôi lúc nhịp tấu lên nhanh, cao trào tạo cho người nghe sự đồng cảm, lắng lòng và hướng nội tâm con người đến cái thiện, cái chân lý của cuộc sống. Chính việc tìm ra mối liên hệ giữa tính triết lý trong âm nhạc mà một số tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Nam Bộ, rất quan tâm đến việc hình thành, phát triển các loại hình âm nhạc dân gian để hướng con người đến sự lắng đọng trong tâm hồn, hướng đến cái thiện.

Cách thức kết hợp nhạc cụ cũng được hình thành trên nguyên tắc bổ trợ lẫn nhau, tức là, nhạc cụ này hỗ trợ cho nhạc cụ kia thăng hoa và ngược lại như sự kết hợp giữa đàn kìm (tiếng thổ) và đàn tranh (tiếng kim) trong các bản song tấu. Tiếng thổ trầm và đục hòa cùng tiếng kim cao và trong tạo nên giai điệu tuy lúc lên cao khi lại xuống thấp, nhưng rất hài hòa như sự hài hòa âm - dương trong đất trời, khi nghe tiếng kim không làm cho người nghe cảm giác chói tai, cũng không thấy nhàm chán, mệt mỏi khi nghe tiếng thổ. Hài hòa âm - dương cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong Đờn ca tài tử như việc hình thành lớp trống - lớp mái trong các bản Nam Ai, Nam Xuân, kết hợp giữa nam và nữ trong loại hình Tân cổ, giữa đào chính và kép chính trong Cải lương,... 

Nội dung các bản nhạc tài tử cũng thể hiện triết lý mở của người dân vùng đất này điển hình là việc sử dụng đa dạng ngôn ngữ nước ngoài, làm nên bức tranh đa dạng về văn hóa trong các bản tài tử. Yếu tố “mượn” trong ngôn ngữ Đờn ca tài tử được sử dụng rất nhiều như việc sử dụng từ ““cù lao” - mượn từ Pulaw (gốc Mã Lai)” (3, tr. 16) 

“Nghĩa cù lao chín chữ chẳng vẹn gìn” (Vọng cổ Ngậm ngùi chín chữ cù lao - tác giả Đặng Thanh Huyền)

“Ôi trên mảnh đất cù lao xanh biết” (Vọng cổ Cù lao nhớ mãi ơn Người - tác giả Đặng Thanh Huyền)

Nhiều địa danh ở vùng đất này có nguồn gốc từ tiếng Khmer như Kế Sách - mượn từ Ksach, Cà Mau - mượn từ Khmâu,…

“Em sẽ mời anh về quê hương Kế Sách”(Vọng cổ Anh về quê em - tác giả Kết Miền Tây)

“Hai tiếng Cà Mau nghe sao thân thiết quá, tôi nhặt lá tràm rơi trên đường vào xóm nhỏ lòng bâng khuâng khi trở lại quê nhà” (Tân cổ Áo mới Cà Mau - tác giả Thanh Phong, Viễn Châu)

Việc mượn những âm từ có nguồn gốc từ nước ngoài để xây dựng nội dung các bản nhạc tài tử một mặt làm phong phú thêm vốn từ của phương ngữ Nam Bộ không chỉ trong đời sống, mà còn cả trong nghệ thuật. Mặt khác, thể hiện triết lý mở trong việc tiếp nhận những yếu tố mới của người dân Nam Bộ.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, chứa đựng trong đó là tư duy âm nhạc, tình đất, tình người và cả triết lý nhân sinh đặc trưng của con người vùng đất này. Từ cách thức tổ chức, cách thức sinh hoạt đến nội dung các bản nhạc tài tử thể hiện rất rõ quan điểm sống mở của người dân Nam Bộ, qua đó, tạo điểm nhấn, đưa Đờn ca tài tử đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, trở thành loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.

Nguyễn Khánh Hoàng -Ban Tuyên giáo, Tỉnh Đoàn An Giang

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Trúc Bạch (2015), “Cải lương Nam Bộ: Nhìn từ chủ thể văn hóa và đặc tính biểu cảm của loại hình”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5, tr.50-57.
2. Trần Văn Khê (2010), “Nghệ thuật Đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam Bộ”, Hội thảo quốc tế Nghệ thuật đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Lê Trung Hoa (2015), “Những hiện tượng mang tính quy luật về ngữ âm dùng để xác định từ nguyên tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7, tr.16.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất