“Đến hẹn lại lên”, cứ đến tháng Giêng, trên khắp mọi miền của Tổ quốc lại tưng bừng diễn ra nhiều lễ hội truyền thống, thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân bản địa, mà còn lôi cuốn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Năm nay, việc phản ánh không khí các lễ hội trên các báo, đặc biệt là các báo điện tử dường như “nóng” hơn, với những bức ảnh, những video clip hết sức chân thực. Nhờ thế mà nét đẹp truyền thống của nhiều lễ hội lại được dịp lan tỏa, song cũng từ những tin, bài, ảnh, video clip “nóng hổi” này, nhiều người không khỏi băn khoăn về tính văn hóa, tính giáo dục cũng như sự lành mạnh trong một số lễ hội. Đã có những tranh luận sôi nổi, thậm chí là nảy lửa trong nhiều comment (bình luận) sau những tác phẩm báo chí phản ánh về các lễ hội này.
Ném Thượng - đó là từ khóa “hot” trên internet trong thời gian qua. Người ta tìm đến từ khóa “Ném Thượng” để hiểu hơn về lễ hội chém lợn của dân làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, một lễ hội được Tổ chức Động vật châu Á có văn bản kêu gọi chấm dứt, và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kêu gọi nên tổ chức lễ hội theo một hình thức ít bạo lực hơn.
Có lập luận cho rằng, lễ hội chém lợn là lễ hội của nội bộ dân làng đâu cần người ngoài tham dự; là sự tiếp nối truyền thống bao đời nay nhằm tôn vinh công lao của thành hoàng làng; là cách nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng của cha ông và cầu cho mùa màng bội thu; và rằng không nên áp đặt những giá trị của văn hóa phương Tây đối với văn hóa truyền thống…Đành rằng, lễ hội là truyền thống văn hóa có nguồn gốc lâu đời, song sự tiến bộ của xã hội cũng như quá trình hội nhập văn hóa đang đòi hỏi chúng ta phải có những điều chỉnh hợp lý, để văn hóa Việt thực sự hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ và thể hiện được nét nhân văn, nhân đạo truyền thống của con người Việt Nam. Hình ảnh một con lợn khỏe mạnh, bị chém bê bết máu trước sự chứng kiến của “nam, phụ, lão, ấu” chắc hẳn không phải là hình ảnh mà tất cả đều cho là đẹp, nếu không nói nó sẽ dẫn dắt con người từ sự sợ hãi đến trơ lỳ về cảm xúc trước bạo lực. Trong khi đó, mỗi ngày trôi qua, không ít người trong số chúng ta lại giật mình lo lắng bởi những cảnh bạo lực dường như ngày càng gia tăng trong xã hội.
Không chỉ có lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, mà những ngày đầu xuân vừa qua, chúng ta còn thấy nhiều cảnh bạo lực giữa người với người, trong đó có Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Có ý kiến cho rằng không có bạo lực tại Hội Gióng năm nay, song nội dung trong những bức ảnh của một số phóng viên chụp được tại đây lại cho thấy điều ngược lại. Cũng có ý kiến cho rằng, cướp được lộc thánh (giỏ hoa tre) là “cướp có văn hóa”, là thể hiện sự nỗ lực của mỗi người để có được lộc chứ lộc không tự nhiên mà đến. Vậy nhưng, có một thực tế là từ thủa xa xưa đến nay, ông bà ta vẫn thường hay dạy con cháu “xin thánh ban lộc”, “xin lộc thánh”, chứ có ai dạy “cướp lộc thánh” bao giờ. Có lẽ chính vì phải đi “cướp lộc” như vậy mà sinh ra đánh lộn, bạo lực chăng?
Đêm khai ấn Đền Trần (Nam Định) năm nay, cũng có thêm rất nhiều hình ảnh phản cảm diễn ra. Không chỉ giẫm đạp, tranh cướp đồ lễ trên ban thờ, có những người đi lễ thậm chí còn giật kiếm thần để quẹt tiền lấy may…
Chúng ta đã biết, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn…”. Thế nên, để lễ hội đầu năm-một phần của văn hóa Việt Nam-thực sự đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự lành mạnh, sâu sắc tinh thần nhân văn, cần phải có những “chuyển động” phù hợp và cần thiết, để có thể từng bước loại bỏ được những yếu tố lạc hậu, phi tiến bộ trong lễ hội, để lễ hội đầu năm thực sự là văn hóa, lành mạnh, nhân văn…/.
Gia Lương (QĐND)