Đến với di tích, với đình chùa miếu mạo là đến với sự thanh cao. Đó là tâm thức, là tín ngưỡng, tâm linh ngàn đời của người Việt Nam.
Đến với di tích, với đình chùa miếu mạo là đến với sự thanh cao. Đó là tâm thức, là tín ngưỡng, tâm linh ngàn đời của người Việt Nam. Phần vật chất nhất của người đi lễ thể hiện ở “tiền giọt dầu”, một tên gọi dân gian giản dị, nhẹ nhàng, tinh tế. Thế nhưng tâm thức thanh cao, đồng tiền tinh tế lâu nay đã bị biến tướng, biến chất nhiều phần. Việc cúng bái, tế lễ ngả sang phàm tục thực dụng đến mức phi lý.
Nếu như chuyện “mua thần bán thánh” xưa kia chỉ thuộc về những thầy bói, thầy cúng thì bây giờ số đông người đời, người dưng đều sa vào cuộc. Nếu như ngày trước chuyện cúng tiến được coi là hảo tâm, thiện tâm thì bây giờ với không ít người đã trở thành việc mua bán thẳng thừng. Người ta coi thánh thần, phật pháp, anh linh tất tật đều có thể mua bán, coi chốn tôn nghiêm như một cái chợ cầu xin. Người ta cố ấn nhét đồng tiền vào tay, vào tấm thân thần Phật hòng sống sượng đòi lấy phúc, lấy lộc…
Nguyên nhân ư? Người hiểu chuyện đời chứ chưa nói đến tâm linh, tín ngưỡng đều biết cả. Bà chúa kho là ai? Người tâm đức vì việc nước, việc làng xưa bây giờ bị biến thành “Bà chúa thị trường”, “Bà chủ cho vay”. Lịch sử, tâm linh bị méo mó, thông tục đến quá thể. Rồi hiệu ứng đám đông, đám đông thiếu hiểu biết, không được hướng dẫn, chỉ bảo nghiêm cẩn, tận tình…
Nhưng vì sao nhiều năm nay biết bao tiếng nói cảnh tỉnh đã cất lên, bao quy định đã ban ra mà chuyện cúng bái, lễ lạt, đặt tiền lẻ ở tượng Phật, đốt vàng mã vô tội vạ vẫn không hề ngơi giảm? Phải chăng những người trong guồng máy lễ lạt hội hè đều đặt lợi ích mình thu được, dù nhiều dù ít, nặng hơn mà xem nhẹ trách nhiệm tổ chức, quản lý? Tại sao người đi lễ chen nhau đặt tiền, đốt vàng mã mà không ai nhắc nhở? Tại sao việc bày bán thịt rừng công khai phạm luật nặng mà không dẹp được? Tại sao cò đò, cò xe, cò lễ, người bán hàng rong lôi kéo, ép uổng khách vẫn cứ ngang nhiên hoạt động? Và thầy bói, sách bói tràn lan. Và nữa chẳng thấy mấy bảng biển chỉ dẫn, ngăn cản, khuyên răn…
Rõ ràng văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đã xa rời cội nguồn, gốc gác. Rõ ràng, việc quản lý lễ hội, thờ cúng đã bị buông lỏng. Và đó là lý do mới đây, ngày 5 tháng 2, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Để thực hiện chỉ thị trên, các cấp bộ Đảng, các cấp chính quyền, những cơ quan quản lý cùng các đoàn thể cần sớm tổ chức sinh hoạt học tập và triển khai nghiêm cách khi mùa lễ hội đã bắt đầu. Trong mọi việc, cán bộ, “đảng viên đi trước”, việc lễ hội cũng vậy, sẽ có “làng nước theo sau”./.
Nguyễn Mạnh (QĐND)