Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 22/2/2015 9:33'(GMT+7)

Năm Mùi tản mạn về hình tượng con dê trong hội họa

Trò chơi "Bịt mắt bắt dê" trong tranh Đông Hồ

Trò chơi "Bịt mắt bắt dê" trong tranh Đông Hồ

Dê là một trong 12 con giáp đã được người Á Đông sắp xếp theo ý thức hệ tín ngưỡng với cách triết lý, nhân quả vũ trụ, số mệnh, phúc đức, sang hèn... và được coi là một biểu tượng trong văn hóa của nhiều quốc gia - dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với văn hóa phương Tây, dê nằm trong 12 cung hoàng đạo và nó thường xuất hiện ở các truyện thần thoại, chủ yếu ở Hy Lạp và một số nước Bắc Âu. Từ những quan niệm mang tính phồn thực mạnh mẽ ở loài dê đực mà có nhiều nơi trên thế giới lấy nó làm đề tài cho một số hoạt động văn hóa, nhất là văn học nghệ thuật trong đó có mỹ thuật.

Giới hội họa phương Tây trước đây chủ yếu vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu, bút sắt. Tranh về đề tài con dê được các họa sĩ thể hiện phần lớn theo những câu chuyện dân gian như “Thần dê và các thần nữ”, tranh tôn giáo đề cập đến “dê gánh tội”, dê và ước vọng của các vị thần... Thời Phục hưng, hội họa phương Tây đã có nhiều họa phẩm công phu được đưa vào các cung điện, nhà thờ, phần lớn ở các nước như La Mã, Hy Lạp, Ý, Pháp... Những quan niệm triết học về sự phát triển của thế giới tự nhiên, các họa sĩ phương Tây thường sử dụng hình ảnh con dê đực để xây dựng hình tượng cho việc sáng tạo nghệ thuật, không những trong tranh mà cả trong điêu khắc.

Ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc... nhiều nghệ nhân làm tranh dân gian cũng lấy đề tài con dê làm nội dung vẽ tranh trang trí ở nơi tôn giáo tín ngưỡng nhưng theo một triết lý đẹp về nhân quả con người với thiên nhiên. Ở nước nào có nghề nuôi dê phát triển mạnh thì ở đó xuất hiện những hoạt động nghiên cứu công năng về dê khá phong phú. Trong nghệ thuật hội họa ngoài trời, con người đã sáng tạo những biểu tượng quảng cáo cho sức mạnh thần bí của dê, nhằm mục đích kinh doanh cho những mặt hàng liên quan đến con dê, như muốn có nhiều lộc thì đầu tháng ăn tiết canh dê, muốn có nhiều sữa mẹ phải tìm đến chân dê...

Ở nước ta, từ lâu đời, trong nghệ thuật tạo hình cũng đã xuất hiện nhiều tác phẩm nói về con dê, nhất là các dòng tranh dân gian như Đông Hồ - Bắc Ninh, Huế, Hàng Trống - Hà Nội. Ngoài ra còn có nhiều nơi mà dòng tranh dân gian liên quan đến hình tượng con dê cũng để lại dấu ấn như tỉnh Hà Nam, Nam Định, Sài Gòn... Tuy không phát triển mạnh, và mang tính tự phát, thời vụ, nhưng tranh dân gian liên quan đến con dê ở những địa phương này cũng được nhiều nghệ nhân sản xuất và bày bán vào những ngày Tết Nguyên đán.

Khác với nghệ thuật tạo hình phương Tây, tranh dân gian Việt Nam phần lớn chú trọng vào kỹ thuật miêu tả các thần thái, dáng, thế, tính cách đặc thù của con dê bằng chất liệu chế tác từ lá cây, muội đèn với cách thức đơn giản. Người Á Đông miêu tả con dê có nhiều ẩn ý thâm nho, dí dỏm theo kiểu “lấy đó mà chạnh lòng đây” bằng những mảng màu đường nét khắc gỗ có khuôn định sẵn. Tiêu biểu là dòng tranh Đông Hồ, tranh dân gian ở Huế nói về con dê mang tính xã hội sâu sắc, thể hiện rõ tính phê phán tiêu cực, hài hước của con người trong cuộc sống. Người ta miêu tả con dê đứng trên mỏm đá cao chót vót với dáng thế uy nghi, bộ râu xồm, canh chừng lãnh thổ, giám sát đàn dê cái không bị phía ngoài xâm hại, xem ra rất thực nhưng qua nét vẽ của nghệ nhân dân gian thì ở đó chứa đựng một hàm ý ích kỷ, tham lam, khoác lác, ăn chơi trác táng, coi trời bằng vung đối với đồng loại, song thực chất vẫn là con dê nhút nhát, luồn lách, vụng trộm, hẹp hòi, nhũng nhiễu mà thôi. Những bức tranh vẽ theo cốt truyện ngụ ngôn “Hai con dê trên một chiếc cầu độc mộc”, phản ánh một thực trạng vì chủ nghĩa cá nhân mà không nhường nhịn nhau biến bạn thành đối thủ, quyết đấu rồi cả hai cùng rơi xuống vực thẳm.

Với cách diễn đạt hình tượng, thông qua mảng màu, đường nét và bố cục chặt chẽ, nghệ nhân làng nghề vẽ tranh dân gian Việt Nam đã phản ảnh một cách sinh động, dí dỏm, sâu sắc về những con người “tham thì thâm”, “anh hùng rơm” vị kỷ mà quên đi cách sống hoà hợp láng giềng của mình để chuốc lấy sự bi đát đáng để người đời lên án. Người ta còn nhớ những bức tranh Đông Hồ miêu tả cảnh bịt mắt bắt dê, một bức tranh có màu sắc trong sáng, ngôn ngữ hội họa dân gian rõ ràng. Tuy cách thức biểu đạt với cấu trúc, bố cục trong tranh còn đơn giản - diễn tả chuyển động của nhân vật người và dê rất thực, nhưng ý tứ lại lãng mạn đến kỳ lạ. Bức tranh “Bịt mắt bắt dê” mô tả hai thanh niên một nam, một nữ đang đuổi một con dê, ở đó cách thể hiện bằng đường nét nhưng người xem cảm thấy có tiếng  đuổi bắt, có tiếng bước chạy của con người dồn dập lúc nhanh, lúc chậm, lúc tưởng là trong im lặng nhưng con dê vẫn thong thả lẩn tránh, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại xem ra rất mỉa mai bất cần, đầy sự hài hước châm biếm kẻ say tình là con người đến đỉnh cao của trò chơi. Vậy mà bức tranh lại bán đắt như tôm tươi vào những ngày giáp Tết chuẩn bị đón xuân của người Việt từ nông thôn cho đến đô thành. Số là con dê còn là biểu tượng phồn thịnh sinh sôi nảy nở mà bất cứ sinh vật nào cũng không địch nổi, cái hóm hỉnh ở chỗ so sánh khoẻ như thanh niên cũng không theo kịp được sức mạnh tính trội của con dê mà thiên nhiên đã ban tặng cho nó để rồi đứng vào đội ngũ 12 con giáp.

Cũng là bịt mắt bắt dê, trong ngày vui xuân, trung thu, ngày lễ hội, được mùa, trò chơi bịt mắt bắt dê dưới đêm trăng hay ban ngày còn có hành vi kích động các cô các cậu lợi dụng trò chơi này để tò mò ái tình, đụng chạm trai gái mà bức tranh Đông Hồ đã lột tả đến tận cùng: “Giả vờ bịt mắt bắt dê/Để cho cô cậu dễ bề với nhau”. Ngắm tranh dân gian “Bịt mắt bắt dê”, với ngôn từ hóm hỉnh, bình dị của người nông dân Việt Nam, nhặt khoan cũng là chuyện vui trong ngày xuân, ngày Tết nhất là ở làng quê, xóm phố, bản làng Việt Nam từ bao đời nay và nó đã vượt khỏi tính lễ giáo về quan niệm nam nữ phong kiến, một ý tứ của tranh rất sâu lắng để người đời suy ngẫm.

Từ những câu ngạn ngữ “treo đầu dê bán thịt chó”, một câu nói dân gian mà biết bao loại tranh châm biếm về dê ra đời. Những bức tranh dân gian vẽ về con dê rất đơn giản nhưng xem ra sức chiến đấu thông qua ngôn ngữ tạo hình đã có cảm xúc mạnh mẽ với những ai giả dối, nói một đường làm một nẻo, lừa đảo trong kinh doanh, trong quản lý xã hội để mưu đồ làm lợi bất chính cho mình vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Những thập kỷ 20-50 ở thế kỷ trước, nhiều nơi trong nước đã xuất hiện những tranh độc bản, mỗi người vẽ một kiểu bằng tay, vịnh mấy câu thơ nói về “dê” của Hồ Xuân Hương: “Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”. Xem những bức tranh dân gian ấy, tuy không phổ biến rộng rãi trong xã hội, nhưng người xem tranh cũng ngẫm ra ngay nghệ nhân ấy, nhà thơ ấy, nói gì về đàn ông háo sắc, một nhu cầu vượt quá giới hạn của thuần phong mỹ tục để đi đến lòng dạ tham lam, hủ tục. Thế mới biết dân gian Việt Nam rất giỏi về việc khai thác góc độ tiêu cực của của con người trong xã hội một cách khá tinh tế, để sáng tạo nghệ thuật có sức truyền cảm sâu sắc, từ chuyện động vật để phê phán những thói hư tật xấu của con người qua nét vẽ trong tranh.

Những năm gần đây, ở nước ta do hệ lụy từ cơ chế thị trường, đã xuất hiện không ít thói hư, tật xấu. Trước những hiện tượng phi pháp, thiếu đạo đức, coi thường kỷ cương, pháp luật, coi thường truyền thống thuần phong mỹ tục của dân tộc, đã có nhiều người bị luật pháp xử lý, song cũng có những người chưa được quần chúng phát hiện đưa ra ánh sáng thì những ngòi bút sắc bén của các họa sĩ chuyên và không chuyên không thể không lấy đặc tính xấu của con dê để làm đề tài chống tiêu cực. Những bức tranh “dê cụ” nạt nộ dân, nịnh hót, lừa đảo, dê cái làm khách mồi chài dự án, luồn lách chức vị cho người thân,... đã thành một dòng tranh dê chống tiêu cực, đâu đó xuất hiện trên báo tường, tạp chí, báo tờ, truyền hình khá phong phú. Xem ra năm Mùi này “dê” vẫn là đề tài hấp dẫn của văn học nghệ thuật và đương nhiên là có tranh châm biếm - mượn hình tượng dê thông qua ngòi bút nhọn tấn công vào những thói hư tật xấu trong xã hội./.

 Họa sĩ HOÀNG HOA MAI

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất