- Tình trạng tranh cướp lễ vật dẫn đến đánh nhau đã diễn ra nhiều năm, gần đây nhất là hội Gióng (Hà Nội, mùng 6 Tết), lễ hội cướp phết (Vĩnh Phúc, mùng 7 Tết), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Bộ phản đối các hành động đánh lộn, tranh giành trong lễ hội, kể cả những hành vi tạo điều kiện cho mọi người tranh cướp hỗn loạn như thế. Ban Bí Thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra công văn, chỉ thị… tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, cách làm của các địa phương chưa được.
Để hoạt động văn hóa tinh thần vui vẻ đầu xuân biến thành cơn ác mộng với cộng đồng thì cơ quan quản lý cấp địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu anh không quản lý được thì phải kỷ luật, thậm chí là cấm hoạt động nếu để hỗn loạn ở lễ hội tái diễn.
Đừng che giấu sai trái, đi tắt dùng quan hệ để giảm trách nhiệm, rồi luật pháp không nghiêm để dẫn đến chuyện năm nay tái diễn năm khác. Người dân sau đó sẽ mất niềm tin. Việt Nam được du khách đến đông là vì đảm bảo an ninh tối đa cho họ, những chuyện mất an toàn trật tự như thế này cần xử lý ngay và thật nghiêm minh.
Nhìn lễ hội mang nét đẹp, niềm vui cho con người mà trở thành trò cướp bóc, đánh nhau, tôi thấy rất đau lòng. Đâu còn là lễ hội ở đó nữa.
- Quan niệm của rất nhiều người cho rằng mang được lộc về nhà sẽ gặp may mắn cả năm, từ đó mới cố giành giật. Còn quan điểm của ông thì sao?
Tôi muốn chia sẻ rằng tất cả chuẩn mực văn hóa, xã hội, gia đình… đều có quy định. Chuẩn mực giá trị của lễ hội hoàn toàn không có chuyện đánh nhau. Đây là cách hành xử phản cảm, lạc hậu, mù quáng. Tôi tin chắc rằng chẳng thánh thần nào phù hộ cho những người có lộc bằng tranh cướp, dùng những khuôn mặt giận dữ để đoạt lộc về mình.
Người dân hãy kiểm tra lại đi, sau khi cướp được lộc cuộc sống của họ có tiến bộ hơn không hay bị cô lập, hành vi bạo lực sẽ bị con cháu học theo. Thánh càng hiển linh càng phù hộ cho những người có tâm đẹp, đóng góp cho đời, chứ không phải người trục lợi cá nhân, vơ vét cho mình. Tất cả của cải làm được nên bằng chính sức lực của mình để rồi tạo phúc cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Làm việc tốt, trước tiên tâm của chúng ta thấy thanh thản và điều này theo tôi còn tốt hơn nhiều việc tranh cướp lộc cầu may.
- Nhưng chính ban tổ chức cũng như chính quyền địa phương cho rằng cướp lộc, cướp phết là nghi thức lâu đời của lễ hội, là truyền thống. Hiện tượng này được giải thích thế nào trong văn hóa truyền thống?
Theo truyền tích, người xưa thường treo phần thưởng trên cây nêu cao và mọi người trèo lên đó để cướp lộc về nhà. Phải là người có tài, có sức khỏe, nhanh nhẹn mới lấy được. Tôi thấy trò cướp lộc này rất lành mạnh, vui tươi. Nhưng hội cướp phết (Vĩnh Phúc), cướp hoa tre (hội Gióng) thì phải cân nhắc lại. Chúng ta phục dựng nghi thức tranh lộc đầu xuân là theo hướng vui vẻ, văn minh chứ không phải ẩu đá, cướp giật, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân.
Ở đây vai trò của ban tổ chức lễ hội là rất lớn. Anh phải quản lý sao cho không để một số du khách quá khích có hành vi phản cảm trong lễ hội. Việc tuyển chọn người tham gia các nghi lễ cũng phải kỹ lưỡng, chỉn chu cả về nhân thân, tính cách chứ không phải dựa vào quan hệ hay lựa chọn tùm lum. Tại hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội), những người trong đoàn rước đánh lộn với du khách chứng tỏ khâu chọn lựa có vấn đề. Chủ thể của lễ hội, người của ban tổ chức mà có hành vi không văn hóa thì làm sao đòi hỏi người tham gia phải văn hóa được nữa.
Bạo lực theo tôi đã tiềm ẩn từ lâu chứ không phải tại lễ hội đó, người ta không cướp được cái này, cái kia nên bức xúc rồi đánh lộn. Những bức xúc này có thể có sẵn từ trong gia đình, xã hội và người ta tìm cách xả stress bằng cách hung bạo nhất, phô trương nhất là "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân".
- Sau những lộn xộn ở hội Gióng và hội cướp phết, Bộ đã có chỉ đạo gì để giảm thiểu những hành vi phản cảm trong các lễ hội sắp tới?
Bộ đang tổ chức các đoàn đi kiểm tra đột xuất tình hình tổ chức lễ hội ở địa phương. Vì là không báo trước nên chúng tôi có cơ hội phát hiện sai phạm và chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, sau mùa lễ hội xuân, Bộ sẽ đánh giá tổng kết, từ đó sẽ đưa ra những đề xuất xử lý đối với những lễ hội có nhiều sai phạm.
Bộ cũng khuyến cáo các địa phương cần tăng cường trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội. Tôi không nhất trí chuyện để người dân quyết định lễ hội. Người dân có những động cơ trong sáng, nhưng cũng có động cơ trong chừng mực nào đó ta nhìn thấy nguy cơ phía sau thì phải định hướng. Các lễ hội mở ra cần yêu cầu ban tổ chức cam kết quản lý, tổ chức tốt và tự đề ra hình phạt nếu không làm được. Như thế, lúc xử phạt ban tổ chức, họ sẽ không kêu được nữa.
- Cá nhân ông khi tham gia lễ hội với tâm thế như thế nào?
Công việc của tôi khá bận nên đôi khi rảnh rỗi mới đi lễ để thư thái vãn cảnh. Còn phần lớn tôi đến lễ hội thường là cùng đoàn kiểm tra.
Đi lễ đầu năm là thói quen, phong tục và nét văn hóa đẹp, nhưng tôi quan niệm may mắn hay không là do chính mình, dựa vào tài năng, tâm đức và trí tuệ bản thân. Ai cũng mong cầu bản thân, gia đình hạnh phúc, thịnh vượng, nhưng đừng chỉ chờ vào đi lễ cầu may. Chúng ta cần biến khát vọng chính đáng thành hành động thực sự, phải lao động và có trí thức.
Có lần tôi đi hội chùa Hương, từ khá lâu rồi và chứng kiến nhiều lộn xộn trong lễ hội. Có anh đánh nhau rơi xuống nước rồi chết đuối. Khi đi đò trên suối Yến, chúng tôi không trả thêm tiền thì bị đuổi xuống ngay. Rồi người ta chen lấn, xô đẩy vào động Hương Tích để hứng nước thiêng...
Chúng ta không thể duy ý chí và cầu toàn rằng lễ hội phải trật tự răm rắp được vì trong gia đình đông người, mỗi người nói một ý đã lộn xộn, huống chi lễ hội có nghìn người tham dự. Lễ hội ở các nước khác cũng có cảnh tranh giành, chen lấn, xô đẩy. "Đi hội tả tơi" tức là lễ hội phải có cảnh đông đúc, mồ hôi rơi, nhưng dù gì anh cũng phải tham gia với tâm thế đẹp, hành động văn minh, lịch sự.../.
Theo Quỳnh Trang/VnExpress