Thứ Hai, 23/12/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 27/9/2014 18:1'(GMT+7)

Đề nghị tổ chức thí điểm kỳ thi “hai trong một” theo “phương án 4”

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đề nghị được thí điểm áp dụng đề án trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đề nghị được thí điểm áp dụng đề án trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Đề nghị này được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ tha thiết gửi tới lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tham vấn Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội nghị do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng nay, ngày 27/9.

Cụ thể, trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với khoảng 180 câu hỏi trắc nghiệm trên máy tính thuộc các lĩnh vực toán, văn, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, yêu cầu vận dụng kiến thức. Nội dung đề có 70% kiến thức lớp 12, 20% kiến thức lớp 11 và 10% kiến thức lớp 10. Cơ cấu đề gồm 60% câu hỏi ở mức trung bình, 20% câu hỏi mức khá và 20% câu hỏi khó. 

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, có thể tổ chức thành các cụm thi với các phòng máy chuyên dụng, chia thành nhiều buổi thi với các đề thi khác nhau nếu lượng thí sinh đông. Đề thi được máy tính trộn ngẫu nhiên trong tổng số ngân hàng đề khoảng 4.500 câu hỏi (đã phân thành các gói câu hỏi theo các tiểu mục), đảm bảo mức độ khó của các đề là ngang nhau.

Kỳ thi sẽ được tổ chức hai lần mỗi năm, vào tháng Tư và tháng Tám. 

Bài thi đánh gia năng lực này đã được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi thí điểm khi chọn các sinh viên cho chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường vào đầu tháng Chín vừa qua và theo nhà trường, đã được thí sinh phản hồi khá tốt.
Đánh giá cao đề án cũng như sự chủ động của Đại học Quốc gia Hà Nội về công tác chuẩn bị kỳ thi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh thì cho rằng, đề án có thể áp dụng với lượng thí sinh nhỏ và tinh hoa. 

“Đại học Quốc gia có thể cùng với một số trường đại học mũi nhọn khác tổ chức và dùng chung kết quả của bài thi đánh giá năng lực học sinh theo đề án riêng của trường. Chúng tôi khuyến khích và tôn trọng các đề án tuyển sinh riêng của các trường nhưng không gây phức tạp cho thí sinh và phải đồng bộ với định hướng đổi mới của Bộ,” ông Trinh nói.

 

Ông Trần Văn Nghĩa đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội gửi đề án để lấy ý kiến của dư luận, nhất là phía các sở giáo dục và đào tạo. (Ảnh: PM/Vietnam+)



Riêng về việc triển khai đề án theo quy mô đại trà toàn quốc mà Đại học Quốc gia Hà Nội từng đề xuất, ông Trinh cho rằng chưa phù hợp vì với hơn một triệu thí sinh trên cả nước, mặt bằng chất lượng thấp hơn so với khi thí điểm với các tân sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, vì thế, Bộ phải hết sức thận trọng, có thể chậm, nhưng không gây sốc cho học sinh.

Đồng tình với việc chưa thể áp dụng quy mô lớn, nhưng giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Bộ cần phải có động thái cụ thể hơn trong việc thừa nhận giá trị thực của đề án, thay vì đánh giá chung chung.

“Chúng tôi tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu đánh giá tốt đề án thì chấp nhận cho trường thí điểm tổ chức tương đương với Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, ví dụ như được dùng kết quả này để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh,” ông Đức kiến nghị.

Trả lời kiến nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng Đại học Quốc gia Hà Nội cứ hoàn thiện đề án gửi lên Bộ, Bộ sẽ đăng tải trên cổng thông tin điện tử của mình để lấy ý kiến dư luận xã hội, đặc biệt là ý kiến từ các sở giáo dục và đào tạo về vấn đề dùng kết quả kỳ thi này để xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Tuy nhiên, kỳ thi dự kiến diễn ra vào tháng Tư, khi thí sinh chưa kết thúc chương trình học, như vậy sẽ nảy sinh việc học sinh chưa học xong đã đỗ tốt nghiệp, là điều khó chấp nhận được,” ông Nghĩa nói. 

Ông Nghĩa cũng cảnh báo Đại học Quốc gia Hà Nội về việc có thể thí sinh sẽ không quan tâm đến kỳ thi, gây khó khăn cho công tác tổ chức thi của trường.

Trước các ý kiến này, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ đề nghị Bộ ủy nhiệm để trường trực tiếp làm việc với một số trường đại học và một số sở giáo dục và đào tạo để triển khai thí điểm việc tổ chức kỳ thi theo đề án riêng của trường ngay năm 2015. “Bộ tổ chức kỳ thi trên quy mô toàn quốc mới cần thận trọng, lấy ý kiến rộng rãi. Chúng tôi chỉ làm thí điểm với một số trường đại học và một số địa phương nên xin phép không phải hỏi rộng,” ông Nhạ nói.

Cũng theo ông Nhạ, nếu Bộ đồng ý thì trường sẽ làm việc trực tiếp với hiệu trưởng các đại học cũng như lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, lãnh đạo ủy ban nhân dân một số tỉnh thành. “Thay vì Bộ đi hỏi, chúng tôi sẽ chủ động làm việc đó, nếu các trường, địa phương thấy hợp lý thì áp dụng, hoàn toàn tự nguyện,” ông Nhạ bày tỏ.

Vị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có quyết định về vấn đề này để trường định hướng triển khai vì 15/10 đã là hạn cuối để các trường công bố phương án tuyển sinh riêng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất