Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 2/9/2018 7:0'(GMT+7)

Để nhân nguồn sức mạnh nội sinh của Đảng

Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An

Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An

Gắn bó mật thiết với nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng Cộng sản, là cội nguồn sức mạnh nội sinh của Đảng, bảo đảm sự thành công của cách mạng. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, Đảng ta vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng thường xuyên gắn bó mật thiết với nhân dân, coi đó là một trong những nguyên tắc để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.  

1. TẤT YẾU PHẢI HƯỚNG VỀ NHÂN DÂN, GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI NHÂN DÂN

Được sống, tự do, mưu cầu hạnh phúc, là ước mơ, là khát vọng của con người. Khi mưu cầu những điều đó, quần chúng nhân dân - những người sáng tạo ra lịch sử phải tự đấu tranh để giành lấy; và từ trong cuộc đấu tranh ấy đã xuất hiện người lãnh đạo, đó là Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân.V.I.Lênin, vị lãnh tụ của giai cấp vô sản đã khẳng định rằng, Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp vô sản, nhưng Đảng Cộng sản “chỉ là một bộ phận nhỏ của giai cấp vô sản và giai cấp vô sản lại cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong quần chúng nhân dân”[1] và Đảng chỉ làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình khi gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân và lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến lên. Từ đó, không chỉ nhấn mạnh mối nguy hiểm: “Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất” đối với Đảng là “tự cắt đứt mối liên hệ với quần chúng”[2], V.I. Lênin đồng thời nêu lên một cách cô đọng nguyên tắc và nội dung những việc phải làm của một Đảng cầm quyền, đó là: “Sống trong lòng quần chúng. Biết tâm trạng của quần chúng. Biết tất cả. Hiểu quần chúng. Biết đến với quần chúng, giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng[3].

Còn Hồ Chí Minh, thấu hiểu sâu sắc rằng “nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân”, ngay từ thời kỳ vận động chuẩn bị thành lập Đảng đã khẳng định: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải lấy dân chúng công nông làm gốc”[4]. Nói về Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giai cấp công nhân chẳng những đấu tranh để tự giải phóng mà còn để giải phóng cả loài người khỏi áp bức bóc lột. Cho nên lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân là nhất trí” và Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, do đó “Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”[5]. Sự thống nhất lợi ích giữa Đảng với nhân dân chính là ở vị thế: Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của dân; và vì thế, “tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân” là một yêu cầu tất yếu, là nhu cầu tự thân của Đảng và một nguyên tắc để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.



Hồ Chí Minh xác định rõ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”[6] và “trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[7]. Do đó, Người thường xuyên phê phán bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, tư tưởng đặc quyền, đặc lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng”. Đồng thời, yêu cầu tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải chú trọng tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Theo Người, để nhân dân thực hiện tốt vai trò làm chủ, mỗi người cần phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình và Đảng, Chính phủ có trách nhiệm tạo điều kiện để nhân dân học tập nâng cao trình độ chính trị, tri thức khoa học, năng lực làm chủ để thực hiện tốt vai trò làm chủ. Cùng đó, Đảng phải chú trọng công tác cán bộ - coi đó là “gốc của mọi công việc”, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành luôn xứng đáng là “công bộc” của nhân dân. Đó là những người: “Luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo” và “sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân”[8], để nhân dân tin yêu và gắn bó. Để hoàn thành nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”[9] để không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội mà còn phải “luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Ông Nguyễn Thọ Chân - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã kể lại rằng: Năm 1960, Thành ủy Hà Nội báo cáo với Bộ Chính trị bản “Quy hoạch và phát triển Thủ đô”, trong đó có việc xây dựng trụ sở Trung ương Đảng. Khi nghe Thành ủy Hà Nội báo cáo những nội dung đã được nghiên cứu, chuẩn bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Chính trị cho ý kiến… Sau đó, Người nói với Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thọ Chân: “Trung ương Đảng làm việc thế này được rồi, xây làm gì”, rồi hỏi: “Theo chú thì trụ sở Trung ương Đảng đặt ở đâu là tốt”… và trong khi chưa ai nghĩ ra, thì Người nhẹ nhàng nói: “Trụ sở Trung ương Đảng phải xây trong lòng dân mới tốt”. Hiểu được ý nghĩa sâu sắc câu nói chí tình, chí nghĩa, tâm ý của Người, càng thấy những gì Hồ Chí Minh đã nói, đã làm và chỉ dẫn của Người thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự thấu hiểu đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.


Hơn bao giờ hết, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đất nước phát triển nhanh và bền vững hiện nay đang đòi hỏi ngày càng cao hơn nữa yêu cầu phải hướng về nhân dân, gần dân, trọng dân để phát huy năng lực sáng tạo, những sáng kiến, kinh nghiệm trong dân, huy động “tài dân, sức dân để làm giàu cho dân” như Hồ Chí Minh từng nói. Gắn bó mật thiết với nhân dân là yêu cầu khách quan, nhất quán đối với Đảng cầm quyền, là thiết thực dựa vào nhân dân để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong. Sự thống nhất biện chứng, phù hợp lợi ích giữa Đảng với nhân dân; giữa Đảng với giai cấp công nhân và dân tộc là bản chất của mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân - cội nguồn sức mạnh nội sinh của Đảng ta.

2.  TRỌNG DÂN, SÁT DÂN, DỰA VÀO NHÂN DÂN ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

Trong gần 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời, với đường lối chiến lược đúng đắn, sách lược mềm dẻo, đã tập hợp, tổ chức, lãnh đạo và đưa quần chúng ra đấu tranh, đã liên tiếp giành được thành tựu. Thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1945); xây dựng chế độ xã hội mới, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975) và cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 - nay) đã chứng minh trên thực tế: do nhu cầu của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng, nhân dân rất cần Đảng dẫn đường, chịu sự lãnh đạo của Đảng và gắn bó mật thiết với nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh vô địch của Đảng.

Xuyên suốt mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Đảng phải luôn trọng dân, sát dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và Đảng phải “phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội”[10]. Bản chất cách mạng của Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam khác với các đảng phái chính trị khác là ở chỗ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và cán bộ, đảng viên của Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân. Ngược lại, khi cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, lãng phí, quan liêu, tham ô, tham nhũng, vô kỷ luật, coi thường phép nước,v.v.. họ sẽ chỉ là “những ông quan phụ mẫu”, những “con sâu mọt” làm mất uy tín, danh dự của Đảng, làm cho Đảng quan liêu, xa dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng - và khi đó, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân tan vỡ, sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng vì thế cũng không còn. Vì vậy, trọng dân, sát dân, gắn bó mật thiết với nhân dân là cội nguồn sức mạnh nội sinh của Đảng, là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng ta, là nhân tố đảm bảo sự thành công của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Không ngừng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là một nguyên tắc bất di bất dịch của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đảm bảo nguồn sức mạnh nội lực vô tận để Đảng hoàn thành trọng trách kép: người lãnh đạo - người đày tớ trung thành của nhân dân.

Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên trò chuyện với bà con nhân dân Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ 


Tuy nhiên, trong thời kỳ hoà bình, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong hơn 30 năm đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…, song ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, Đảng cũng đã phạm những sai lầm, khuyết điểm. Đặc biệt, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện: quan liêu, cửa quyền, tham ô, tham nhũng, sách nhiễu dân, nhóm lợi ích… không chỉ là vấn nạn trong hệ thống chính trị, trong nhiều tổ chức kinh tế, tập đoàn kinh tế lớn, mà còn trở thành trở lực đối với sự phát triển đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Bộ phận không nhỏ này sa vào chủ nghĩa cá nhân, luôn cho mình đặc quyền “ăn trên, ngồi trốc”, xa rời nguyên tắc Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Họ quên rằng, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ” thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân, mà đầy tớ là “công bộc” của dân - nội hàm là hết lòng, hết sức gánh vác việc nước, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Hơn thế, có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức và quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm…

Đánh giá về sự nguy hại của thực trạng này, các văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, nhất là Đại hội XI đã chỉ rõ: “Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức, có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”[11], “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cảu một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình tạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”[12]. Đại hội XII của Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra: “Quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hoá, hoặc đã thể chế hoá nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc... Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”[13]; dân chủ trong Đảng, vai trò giám sát, tham gia của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng chưa thực sự được phát huy...

Từ đó, Đại hội XII xác định một trong những nhiệm vụ tổng quát của 5 năm tới là xử lý tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với nhân dân làm chủ trên tinh thần: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân”[14]. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phải tiếp tục “tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”[15] và xây dựng Đảng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ (2016-2020), với nội dung cơ bản là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[16]… Không chỉ có vậy, Văn kiện Đại hội cũng nêu rõ: Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo; trong đó, nhấn mạnh việc “quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” và “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm”[17].

Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ” (30/10/2016) cũng đã nhận diện rõ 27 biểu hiện suy thoái; đồng thời, chỉ rõ một trong những biểu hiện suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”; “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”… Nghị quyết nhấn mạnh: “Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

 Các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm công tác "gieo chữ"

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy đảng phải chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, Điều lệ Đảng; gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ", với Quy định về những điều đảng viên không được làm. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; “xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi; đồng thời, phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính, xâm phạm lợi ích của nhân dân, bất kể chúng là ai, giữ chức vụ gì.

Thứ hai, các cấp ủy đảng và chính quyền phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; nắm vững tình hình, hiểu rõ tâm trạng, yêu cầu của nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hướng về cơ sở, gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, học dân, dựa vào dân và thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị như những người công bộc mẫu mực.

Thứ ba, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, không để quyền làm chủ của nhân dân chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà phải tạo điều kiện thực tế, có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Coi sự giám sát, góp ý, đánh giá của nhân dân là thước đo chính xác, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của cấp ủy các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác.

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành chức năng các cấp tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Đồng thời, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và thiết thực không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.


TS. Văn Thị Thanh Mai

------

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.43, tr.274.

[2], [3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb, Tiến bộ Matxcơva, 1977, t.44, tr.426, 608.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, xuất bản lần thứ 3, Hà Nội, 2011, t.2, tr.304.

[5], [9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11 tr.607, 606.

[6], [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.434, 177.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.376.

[11], [12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.171, 173.

[13], [14], [15], [16], [17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.157-158, 69, 210, 217, 216-217.



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất