Trong nhiều năm qua, việc tổ chức các phương án phòng, chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), được vận dụng theo phương châm “bốn tại chỗ” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng, góp phần giảm bớt những thiệt hại về người, tài sản cho Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, để phương châm này phát huy tối đa tác dụng, không thể không tổ chức huấn luyện một cách nghiêm túc và bài bản…
Huấn luyện thế nào để có hiệu quả?
Đây là câu hỏi không khó. Năm nào bước vào mùa mưa bão, các đơn vị, địa phương đều tổ chức huấn luyện các phương án PCLB và TKCN. Đã có nhiều cuộc diễn tập với quy mô khá lớn để các địa phương, đơn vị thục luyện các phương án.
Qua theo dõi của chúng tôi, việc huấn luyện thường xuyên của các đơn vị, địa phương là cần thiết. Song, nếu chỉ huấn luyện “chay” (tức không có hợp luyện thực binh), thì lực lượng PCLB và TKCN không hình dung hết các công việc mình cần phải làm, các loại trang bị, phương tiện, cần phải có. Chính vì vậy, khi có tình huống xảy ra, nhiều địa phương, đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc tổ chức lực lượng và huy động phương tiện. Để hạn chế những thiếu sót này, việc tổ chức diễn tập với các quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh, với sự huy động nhiều đối tượng tham gia đã được tổ chức thường xuyên hơn. Tất nhiên các cuộc diễn tập như vậy, do chuẩn bị chu đáo, lại có kịch bản chi tiết, nên các khâu “vận hành” khá trơn tru và được đánh giá tốt. Song, dường như do còn quá chú ý đến phần “diễn” nên lực lượng tham gia “diễn” hầu hết được chọn lọc, huấn luyện kỹ. Có thể nói, các cuộc diễn tập như vậy thường hiệu quả không cao, thiếu tính thực chất, nặng về phần “diễn”, nhẹ phần "tập".
Mới đây chúng tôi đã có dịp theo dõi cuộc diễn tập thực binh TKCN trên biển, do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, phối hợp với UBND thành phố Hội An tổ chức. Cuộc diễn tập diễn ra chỉ trong thời gian ngắn, nhưng theo chúng tôi đây là cuộc hợp luyện và thục luyện phương án “bốn tại chỗ” tìm kiếm cứu nạn trên biển có tính thực tế cao và ít tốn kém nhất.
|
Vận chuyển người bị nạn về nơi sơ cứu. |
Chú trọng huấn luyện ở cơ sở
Trao đổi với chúng tôi ngay chân sóng ở bãi biển Cửa Đại, Hội An, nơi diễn ra cuộc diễn tập thực binh TKCN trên biển, Đại tá Lê Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết:
- Quảng Nam là địa phương ven biển, lại ở trong vùng trọng điểm của bão lũ, thiên tai. Năm 2011 tuy số lượng bão và lũ không nhiều hơn so với những năm trước, nhưng trên biển đã xảy ra 18 vụ/20 phương tiện/279 người bị nạn, làm chết 14 người, mất tích 4 người; chìm 1 tàu vận tải, 3 tàu cá; 10 tàu bị hư hỏng. Trong nội địa tổng cộng có 7 đợt lũ, sét, làm chết 5 người, bị thương 3 người; nhiều nhà cửa, cơ quan trường học bị hư hỏng; hàng trăm héc-ta rau màu bị thiệt hại… Để chủ động và triển khai có hiệu quả công tác PCLB và TKCN, chúng tôi đã làm tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ huy TKCN tỉnh; đồng thời chỉ đạo các địa phương kiện toàn BCH PCLB và TKCN. Đặc biệt, trong kế hoạch huấn luyện PCLB và TKCN năm nay, chúng tôi chú trọng đến việc thục luyện, hợp đồng các lực lượng tại chỗ, sao cho nhuần nhuyễn, phát huy tối đa sức mạnh về nhân lực và phương tiện tại chỗ đáp ứng cho nhiệm vụ PCLB và TKCN, nhất là nhiệm vụ TKCN. Trong chỉ đạo thục luyện, chúng tôi lấy đơn vị huyện làm cơ quan chỉ đạo; phường xã, cơ quan, ban ngành, dân quân, ngư dân là lực lượng tham gia, với phương châm “hai sát” và “một ít”, nghĩa là sát tình huống, sát thực tiễn và ít tốn kém. Để huấn luyện có hiệu quả, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng ven biển phối hợp với cơ quan quân sự huyện làm tham mưu cho UBND huyện tổ chức huấn luyện và diễn tập thực binh vừa nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành và xử lý tình huống ở cơ sở; vừa làm cho từng người dân, từng chủ phương tiện, từng ngành, đoàn thể ở địa phương hiểu mình cần làm gì khi tình huống xảy ra...
Theo dõi cuộc diễn tập thực binh TKCN trên biển ở phường Cửa Đại chúng tôi thấy, cuộc diễn tập tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả mang lại khá thiết thực. Đồng chí Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An khẳng định, cuộc diễn tập này “không rình rang, tốn kém, không phải điều động quá nhiều lực lượng và phương tiện tham gia. Cuộc diễn tập này rất hiệu quả và địa phương nào cũng có thể thục luyện phương án TKCN một cách thường xuyên như thế này”.
|
Người dân tham gia cứu nạn trong cuộc diễn tập. |
Cần sáng tạo những cách làm mới
Chúng tôi cho rằng, cuộc diễn tập thực binh TKCN ở cơ sở mà Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND thành phố Hội An tổ chức ngày 18-8 vừa qua là cách làm hiệu quả, có thể giới thiệu để nhân rộng.
Đúng như lời đồng chí Bí thư Thành ủy Hội An, đây là cuộc thục luyện mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, làm cho lãnh đạo địa phương, nhất là cấp xã, phường hình dung hết công việc khi có tình huống xảy ra, biết cách chỉ huy, điều hành hợp lý.
Cuộc diễn tập được đông đảo người dân, chủ phương tiện tích cực hưởng ứng tham gia nên đã huy động được những kinh nghiệm hết sức quý báu trong nhân dân về việc tổ chức cứu nạn, sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân.
Tại cuộc diễn tập, khi thấy những người làm công tác cứu nạn lao xuống biển cứu người chỉ mang độc chiếc phao, thì cụ Nguyễn Hai, một lão ngư ở phường Cửa Đại đề nghị phải cho người đó mang theo cuộn dây cột sẵn vào phao. Cụ giải thích ngắn gọn, khi vớt được người bị nạn thì bản thân người cứu nạn cũng đã mệt, cuộn dây cột vào phao, có lực lượng trên bờ tiếp sức kéo vào vừa nhanh, vừa giảm được nguy cơ mất an toàn. Không chỉ vậy, cụ còn hướng dẫn các bà, các chị, các em thiếu nhi đốt nhiều đống lửa ven biển. Theo cụ, cả người bị nạn, người cứu nạn dầm mình lâu dưới nước bị lạnh, lên đến bờ sơ cứu và sưởi ấm ngay là hết sức cần thiết. Cụ nói: Đừng coi thường sự chuẩn bị này, chính các đống lửa góp phần cứu sống nhiều mạng người đấy. Với những người cứu nạn, trước khi xuống nước, cụ đều bảo mọi người phải uống một cốc nước mắm, theo cụ là để “chống lại cái lạnh”. Người mới được vớt từ dưới biển lên, đang rét run cũng cần cho uống nước mắm...
Kinh nghiệm từ cuộc diễn tập thực binh TKCN ở phường Cửa Đại, Hội An vừa qua đã mở ra những cách làm mới. Thiên tai ngày càng khắc nghiệt và khó lường; tai nạn, rủi ro xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau và việc đối phó hiệu quả hay không, phụ thuộc vào chính những người dân ở cơ sở. Chúng ta đã đúc kết ra phương châm “bốn tại chỗ” trong PCLB, trong TKCN, nhưng để phương châm này phát huy tối đa hiệu quả thì cần phải có sự tập luyện thường xuyên nhằm luôn bổ sung những biện pháp phù hợp và những cách làm mới linh hoạt, sáng tạo./.
(Đặng Trung Hội/QĐND)