Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã làm việc với Ủy ban Dân tộc về việc rà soát lại chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và chính sách xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phạm Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã dành nhiều thời gian thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, kết quả đã đạt được của các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2012-2015; chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (chương trình 30a); định hướng giảm nghèo theo Nghị quyết 80/NQ-CP; các chính sách dạy nghề hiện hành đối với người dân tộc thiểu số; tình hình thực hiện chính sách giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động; việc thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, gió phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020... và phương hướng trong thời gian tới.
Hai Bộ trưởng đều cho rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn là đối tượng ưu tiên trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy có nhiều chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng mức hỗ trợ còn thấp, chưa trực tiếp hỗ trợ được vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất kiến nghị với Thủ tướng chia các chương trình hỗ trợ của Nhà nước thành các dự án độc lập để đầu tư theo từng địa bàn: Vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; có chính sách đào tạo sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; mở rộng cử tuyển đối với con em đồng dân tộc thiểu số được đào tạo tại các trường nội trú...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại những chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó loại bỏ những chính sách không còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung quy định còn thiếu và kiến nghị giải quyết những vấn đề còn tồn tại.../.
Phúc Hằng - TTXVN