Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 1/6/2011 9:41'(GMT+7)

Để trẻ em được sống trong an toàn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Tai nạn thương tích (TNTT) đang đe dọa sự sống và phát triển của trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em và người chưa thành niên ở nước ta. Cùng với môi trường sống tiềm ẩn nhiều rủi ro thì hầu hết trẻ bị TNTT do sự bất cẩn của người lớn. “Vì môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em”, tiếp tục là mục tiêu hướng tới nhằm huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây cũng là chủ đề của Tháng hàng động vì trẻ em năm nay.

Tai nạn từ những ngôi nhà

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 6 năm (từ 2005-2010), trung bình mỗi năm có khoảng 7.300 trẻ (từ 0 đến 19 tuổi) tử vong do TNTT, bình quân mỗi ngày có hơn 20 trẻ tử vong số trẻ bị TNTT năm sau thường cao hơn năm trước. Các nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tử vong do TNTT gồm: tai nạn đuối nước (chiếm 50%), tai nạn giao thông (chiếm 24%). Ngoài ra, trẻ bị tai nạn do bỏng, ngã, ngộ độc và súc vật cắn… Điều đáng nói là địa điểm xảy ra TNTT ở em chủ yếu tại chính ngôi nhà mà các em đang sống (chiếm 50%), tiếp sau là tại cộng đồng (30%) và trường học (10%).

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra một số dẫn chứng: “Trong những ngôi nhà chúng ta đang sống có rất nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Vì một phích nước, một ổ cắm điện, một cái bếp… nếu người lớn sơ xảy không để mắt, quan tâm đến là có thể mất an toàn cho trẻ. Chúng ta đã quen với ngôi nhà của mình rồi nên nghĩa là mọi thứ rất an toàn. Ví dụ, bậc cầu thang hơi cao, chúng ta coi đó là chuyện bình thường em bé có thể bước lên, bò lên được hay cái bếp không có ngăn phía trước thì có thể nhắc các em không được vào bật bếp ga... Nhưng trẻ em thường rất hiếu động, dễ bị lôi kéo, thích khám phá. Rồi trẻ thấy cha mẹ uống thuốc tưởng kẹo nên ăn phải… Chúng tôi mong các bậc làm cha mẹ phải biết trong ngôi nhà mình có những nguy cơ gây TNTT cho con em mình và phải loại bỏ nó đi”.

Ngoài nguyên nhân do môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chưa có biện pháp can thiệp kịp thời, thì hầu hết trẻ bị TNTT do sự bất cẩn của cha mẹ và người chăm sóc. Gốc rễ của thực trạng TNTT ở trẻ em là do kiến thức về an toàn nói chung ở các gia đình còn thấp, ý thức chấp hành luật pháp và các quy định về an toàn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, thiếu các biện pháp triển khai thực hiện phù hợp trong lĩnh vực phòng, chống TNTT đối với trẻ em.

Khó khăn về kinh phí, nhân lực

Hiện nay, công tác truyền thông, giáo dục vẫn chưa đủ mạnh để có thể chuyển đổi hành vi ứng xử trong cộng đồng, nhất là gia đình và trường học trong việc phòng chống TNTT trẻ em. Cùng với khó khăn về kinh phí thì nhân lực làm công tác này còn thiếu.

Bà Lê Thu Đãnh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu nêu thực tế ở địa phương mình: “Khó khăn nhất vẫn là cán bộ. Nhiều khi có tiền nhưng địa phương lại không có cán bộ để làm. Để có tiền, chúng tôi phải vận động các nguồn lực, từ ngân sách, cộng đồng, các tổ chức quan tâm đến trẻ em”.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (1990) và tham gia ký kết văn kiện “Một thế giới phù hợp với trẻ em” năm 2002. Để thực hiện cam kết với quốc tế và đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện một cách đầy đủ, giúp các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách pháp luật như: Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2001-2010.

Cùng với việc xây dựng những tiêu chí về “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn” và “Xã phường phù hợp với trẻ em”, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo “Chương trình phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011-2015” dự kiến trình Chính phủ trong năm nay. Mục tiêu là trong vòng 5 năm tới, giảm được 20% số vụ TNTT ở trẻ em; ít nhất 30% gia đình có trẻ đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”, 25% trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn” và 25% xã phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an toàn”…

Để thực hiện mục tiêu đề ra, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng tránh TNTT ở trẻ em nhưng hiệu quả chưa cao. Ví dụ, với mô hình “Ngôi nhà an toàn” thì nhận thức của những ông bố, bà mẹ là quan trọng nhưng ai là người cung cấp những kỹ năng cho họ, nên chăng Bộ Tư pháp trước khi tổ chức đăng ký kết hôn cần phát tờ rơi và tổ chức tập huấn cho những người chuẩn bị làm cha, làm mẹ. Hay tiêu chí “Xã phường phù hợp với trẻ em” nên chăng gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Tóm lại, những vấn đề này phải có tính gắn kết, phải làm rõ hơn trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân để xảy ra TNTT ở trẻ. Thời gian qua, tôi thấy việc quy trách nhiệm đang gặp khó khăn”.

“Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai”, hãy dành tất cả những gì tốt đẹp cho trẻ, nhưng trước hết hãy xác định, phòng chống TNTT cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm chung của cộng đồng mà còn là tình cảm riêng của mỗi cá nhân. TNTT luôn đe dọa và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người nhưng nếu chúng ta ai cũng có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ những người sống quanh mình thì dù đó không phải là vấn đề dễ thực hiện, song với sự giúp đỡ và nỗ lực có hệ thống và hợp tác, chắc chắn việc phòng chống TNTT nói chung và ở trẻ em nói riêng ngày sẽ hiệu quả hơn./.

theo Hà Nam ( www.na.gov.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất