Dân tộc Việt Nam có truyền thống khoan dung, nhân ái, “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”... Chiến tranh đã qua đi 40 năm rồi. Cần phải nhìn vào những thành tựu phát triển của Việt Nam, trong đó có sự chung tay, góp sức của 90 triệu người dân trong nước và các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
“Hy vọng với sức trẻ, lòng nhiệt tình, được giao phó trách nhiệm, trao niềm tin, chúng tôi sẽ được góp sức mình xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp...”. Đó là chia sẻ của anh Trần Hải Linh, 35 tuổi, một Việt kiều trẻ đang tích cực tham gia các hoạt động đoàn kết cộng đồng và thúc đẩy sự gắn kết giữa cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc với đất nước.
Anh Trần Hải Linh hiện là giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại Đại học Inha (Hàn Quốc) và mới tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc. Nhân dịp về Việt Nam ăn Tết cổ truyền dân tộc, anh Trần Hải Linh đã có cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên, chia sẻ những tâm tư, tình cảm với quê hương của một người con sống xa Tổ quốc.
Tình quê hương ấm áp, thiêng liêng...
- Là người Việt Nam sống xa Tổ quốc, về nước vào dịp quê hương đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền, với anh hẳn là một trải nghiệm thú vị?
- Được ăn Tết trên quê hương đối với chúng tôi, những người con xa xứ là điều rất thiêng liêng, khơi dậy những tình cảm ấm áp, gần gũi mà ở xứ người hiếm khi có được. Nhưng có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất đó là mỗi lần trở về đều thấy đất nước mình thay đổi, phát triển hơn, tươi đẹp hơn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi nhìn thấy sự phát triển trên quê hương Việt Nam là rõ nét. Điều đáng mừng là đất nước ta đã từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu phát triển đáng khích lệ, chính trị ổn định, kinh tế, văn hóa phát triển theo chiều hướng tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới và uy tín của đất nước Việt Nam ngày càng được nâng cao. Điều đáng ghi nhận nữa là Việt Nam đã trải qua một năm đầy thách thức về đối ngoại nhưng với sự đồng lòng, đoàn kết, chung sức của nhân dân trong và ngoài nước, chúng ta đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc.
- Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc đã sớm có sự gắn kết, thống nhất và đang ngày càng có nhiều hoạt động tích cực hướng về quê hương. Để làm được điều này trong khoảng thời gian ngắn là điều không phải dễ dàng?
- Khi còn là một sinh viên du học ở Hàn Quốc, tôi đã nhận thấy những bất cập vì ở đây chưa có bất kỳ một hội hay đoàn thể nào của người Việt Nam, trong khi cộng đồng người Việt tại đây đang ngày càng đông lên và cần những hỗ trợ cần thiết. Vậy là tôi cùng một số sinh viên nhiệt huyết đứng ra thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, xây dựng mạng lưới với hơn 70 chi hội cơ sở trực thuộc và hoạt động trên khắp Hàn Quốc. Đây cũng là tổ chức đầu tiên của người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Sau đó chúng tôi đã đề xuất và thúc đẩy sáng kiến thống nhất các hội, đoàn của người Việt Nam ở Hàn Quốc dưới một “mái nhà” chung, nhằm xây dựng một cộng đồng người Việt thực sự đoàn kết, vững mạnh, giúp đỡ lẫn nhau và ngày càng phát triển, cùng hướng về quê hương. Sau rất nhiều nỗ lực, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc ra đời vào ngày 22-12-2010. Và ngày 29-11-2014 đã đánh dấu bước phát triển mới và sự thống nhất thực sự của toàn thể cộng đồng khi Đại hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ hai đã bầu ban chấp hành khóa mới, trong đó mỗi tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam tại Hàn Quốc đều có đại diện của mình tham gia.
Cộng đồng đoàn kết, thống nhất đã tạo được phong trào rộng rãi, có sức lan tỏa trong các hoạt động hướng về nguồn như: Quyên góp hỗ trợ nạn nhân bị thiên tai trong nước, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ các trẻ em nghèo vượt khó...
Tôi nghĩ rằng, để làm được những điều đó, chúng tôi có thuận lợi, đó chính là bà con người Việt mình dù sống ở đâu vẫn luôn gìn giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tương thân tương ái, sống nghĩa tình và đặc biệt luôn nêu cao tinh thần dân tộc và ý thức về cội nguồn.
Niềm tin mạnh mẽ
- Việt Nam đang thực hiện chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức người Việt ở nước ngoài mang tri thức về đóng góp xây dựng quê hương. Là một trí thức sống tại một quốc gia phát triển như Hàn Quốc, anh có suy nghĩ gì về chủ trương này?
- Chúng tôi luôn hy vọng với sức trẻ, lòng nhiệt tình, được giao phó trách nhiệm, trao niềm tin, chúng tôi sẽ được góp sức mình xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Mỗi dịp về Việt Nam, tôi đều nhắc lại tâm nguyện này khi tới chào các nhà lãnh đạo của Việt Nam, hay trả lời phỏng vấn trên báo chí. Tôi cho rằng đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với tiềm lực rất đáng kể và đều có mong muốn cống hiến cho đất nước nhưng vẫn còn bị những hạn chế vì một số lý do. Trong đó, bao gồm vấn đề thiếu thông tin, thiếu “cầu nối”, chứ tiền bạc hay những ưu đãi không phải là tất cả.
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Văn phòng Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hàn Quốc, chúng tôi vừa thành lập Ban liên lạc chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc vào đầu năm 2014. Đây sẽ là “cầu nối” giúp các nhà khoa học, trí thức như chúng tôi có điều kiện cống hiến những tri thức của mình phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Điều đáng mừng là nỗ lực thu hút chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã đạt được những bước tiến đáng kể, cho dù vẫn còn những hạn chế. Việc trao đổi thông tin giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc với cộng đồng ở nước ngoài ngày càng được tăng cường chặt chẽ hơn, do vậy những ý kiến của kiều bào tại Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung đã được chuyển về các cơ quan chức năng trong nước để phối hợp và xử lý. Bên cạnh đó, Chính phủ trong thời gian qua đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trở về sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Tôi luôn hy vọng sẽ có một ngày Việt Nam tạo ra được kỳ tích như “kỳ tích sông Hàn” của Hàn Quốc. Hàn Quốc không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng phát triển được như ngày hôm nay một phần là nhờ biết tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức Hàn Quốc được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về đóng góp cho đất nước.
- Dựa vào những cơ sở nào để chúng ta có thể hy vọng?
- Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm văn hóa, lịch sử khá tương đồng. Là những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ có một ngày phát triển như đất nước Hàn Quốc.
Điều làm nên thành công của Hàn Quốc chính là sự đồng thuận và quyết tâm cao của Chính phủ và người dân Hàn Quốc, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ Hàn kiều được đào tạo bài bản ở tất cả các nước tiên tiến trên thế giới quay trở về nước tham gia vào sự phát triển đất nước. Chính những con người này cùng với sự hỗ trợ chính sách đặc biệt của chính phủ và phối hợp, đồng thuận của các cơ quan chức năng, đã đưa Hàn Quốc trở thành một nước phát triển như hiện nay, dựa trên nền tảng sự phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ cao trong một thời gian ngắn.
Kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài có gần 4,5 triệu người, trong đó có gần 400.000 người là chuyên gia, trí thức được học tập và đào tạo bài bản. Với những yếu tố tương đồng như vậy và chứng kiến sự quyết tâm của chính phủ, người dân Việt Nam cũng như kiều bào ta trong thời gian qua, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và sánh vai cùng bạn bè quốc tế.
- Những chia sẻ của giáo sư ở trên phải chăng muốn nhấn mạnh bài học về sự đoàn kết, đồng lòng để phát triển?
- Đúng vậy. Việt Nam sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tìm ra những cách thức phù hợp để kết hợp nguồn lực ngoài nước với các nguồn lực trong nước. Đoàn kết tạo ra sức mạnh là bài học đã được chứng minh qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nếu mỗi người dân Việt Nam đều cùng cố gắng, đoàn kết, từ đó tập hợp các nguồn lực trong và ngoài nước thành một sức mạnh tổng thể, đi theo đó là chính sách và hỗ trợ của chính phủ và đồng thuận phối hợp của các cơ quan chức năng, tôi tin rằng đất nước Việt Nam sẽ ngày càng phát triển một cách nhanh chóng.
- Nhưng trên thực tế vẫn còn một bộ phận nhỏ người Việt Nam ở nước ngoài chưa có được những suy nghĩ tích cực đối với quê hương như vậy?
- Dân tộc Việt Nam có truyền thống khoan dung, nhân ái, “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”... Chiến tranh đã qua đi 40 năm rồi. Cần phải nhìn vào những thành tựu phát triển của Việt Nam, trong đó có sự chung tay, góp sức của 90 triệu người dân trong nước và các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với thực tế và tình cảm ấy, những hiểu lầm, định kiến cần phải được gạt sang một bên để cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng hơn. Nhìn lại thời gian qua, đất nước Việt Nam đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Giờ đây mong muốn hòa bình và đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang là khát vọng của mọi người dân Việt Nam, và muốn dân tộc cường thịnh, dân sinh hạnh phúc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, chúng ta cần cùng chung tay hòa hợp một cách chân thành và hãy đặt lợi ích dân tộc lên trên hết./.
Mai Nguyên (QĐND)