Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 15/2/2015 21:23'(GMT+7)

Giữ gìn văn hóa của Tết Việt

(Ảnh minh họa: QĐND)

(Ảnh minh họa: QĐND)

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã cận kề. Đây là dịp mà hầu hết mọi người đều gác những công việc mưu sinh, công tác thường ngày để về sum họp với gia đình, dòng tộc và quê hương; là thời gian để người dân tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí, liên hoan và gửi tới nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất.

Cùng với tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế, giao lưu và hội nhập quốc tế, những nét truyền thống văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam đang bị tác động của những yếu tố ngoại lai. Chẳng hạn như nhiều bạn trẻ ngày nay muốn vui chơi trong dịp Tết dương lịch, Lễ Giáng sinh, Lễ Tình nhân… hơn là Tết Nguyên đán. Hay như quan niệm của người dân cũng khác xưa. Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi các cháu cũng muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Chính sự tác động của đời sống văn hóa-xã hội, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt. 

Bảo tồn, giữ gìn và phát triển những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta. Dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài, giữ được nét truyền thống văn hóa của Tết Việt sẽ đưa chúng ta về với cội nguồn, về với tổ tiên và quê hương, gia đình-nơi đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Từ đó, để mỗi người Việt Nam càng thêm tự hào, trân trọng về truyền thống vẻ vang của dân tộc, yêu thương giúp đỡ nhau nhiều hơn; ra sức phấn đấu, rèn luyện và cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc, quê hương, sống xứng đáng với đất nước Việt Nam “ngàn lần anh hùng”.

Giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc, đồng thời chúng ta cũng phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hoạt động mê tín dị đoan; các lễ hội phản cảm, tốn kém; nạn cờ bạc, rượu chè bê tha; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội… Mỗi địa phương, đơn vị cần khuyến khích tổ chức các hoạt động tôn vinh truyền thống tốt đẹp, khôi phục và tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm chất dân gian, mang tính giáo dục cao và bổ ích như: Xin chữ, thả thơ, đấu vật, đu quay, đua thuyền, kéo co, hát dân ca, lễ chùa, nói lời hay ý đẹp…

Dịp Tết Nguyên đán cũng là cơ hội để đất nước, con người Việt Nam giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình với bè bạn quốc tế. Các hoạt động như: Tổ chức các tour du lịch “Vui chơi Tết Việt cho du khách nước ngoài”, tổ chức các chợ hoa, quảng bá phong tục đón Xuân của các dân tộc Việt Nam, tổ chức vui Xuân, đón Tết Việt Nam ở nước ngoài... sẽ có tác dụng rất lớn để bạn bè năm châu hiểu hơn về văn hóa truyền thống của Việt Nam.  

Tết cổ truyền luôn là một hoạt động văn hóa đặc sắc. Những nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc có vai trò rất quan trọng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì vậy, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc đặc biệt cần thiết, đồng thời lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa quốc tế để phù hợp với nhịp sống hiện đại, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển và nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước.

Lê Phi Hùng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất