Ngày 17/12/1994, trong Kỳ họp thứ 18 tại Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản
thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế
giới, với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ theo tiêu chuẩn của Công ước
Quốc tế về bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.
Không chỉ thế, Vịnh Hạ Long còn là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ với ba nền văn hóa nối tiếp nhau Soi Nhụ-Cái Bèo-Hạ Long.
Đặc biệt, cộng đồng ngư dân các làng chài trên Vịnh vẫn còn bảo lưu những nét văn hóa truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc của người vùng biển Hạ Long.
Tròn 20 năm trở thành Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2014), Vịnh Hạ Long đã và đang được quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả, là tài nguyên vô giá của Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Giá trị đa dạng của Di sản
Nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long là một phần của Vịnh Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 165km.
Với diện tích 434km2 , bao gồm trên 775 hòn đảo, hầu hết các đảo này không có người sinh sống và không bị tác động bởi con người, tạo nên vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với vô số tháp đá vôi, là một mẫu hình tuyệt vời về karst trưởng thành trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm.
Vẻ đẹp cảnh quan nổi bật còn được tô điểm thêm bởi các hệ sinh thái điển hình của Di sản. Giá trị nổi bật của Di sản tập trung ở khu vực có các dạng địa hình đá vôi karst ngập chìm dưới biển tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.
Vịnh Hạ Long là một tác phẩm điêu khắc kỳ vĩ của tự nhiên với hàng ngàn đảo đá vôi lớn nhỏ nhô lên từ mặt biển trong xanh với muôn hình vạn trạng tạo nên một cảnh quan hoang sơ tuyệt mỹ. Di sản vẫn giữ được tính tự nhiên ở mức cao và không hề bị xuống cấp mặc dù nơi đây đã có sự xuất hiện của con người từ rất lâu.
Nền tảng gốc rễ của cảnh đẹp tự nhiên được tạo nên bởi tính đa dạng sinh học cao của Vịnh. Đa dạng sinh vật của Vịnh Hạ Long không chỉ thể hiện ở cấp độ nguồn gen, cấp độ loài mà còn cả ở cấp hệ sinh thái của một vùng biển ven bờ nhiệt đới với 10 kiểu hệ sinh thái rất đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới.
Đặc biệt các giá trị bảo tồn của hang động, tùng áng có thể coi là giá trị nổi bật của các hệ sinh thái Vịnh Hạ Long.
Hiện Vịnh Hạ Long nằm trong một đô thị có tốc độ phát triển nhanh, có thế mạnh về công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Lợi thế hiện tại của Quảng Ninh là than, nhưng than là tài nguyên hữu hạn, trong khi Vịnh Hạ Long là Di sản, là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới.
Để Quảng Ninh thành một trung tâm phát triển ra biển, một trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thì Vịnh Hạ Long là một trong những nguồn lực chính, là lợi thế bền vững, lâu dài nhất của Quảng Ninh.
Nỗ lực quản lý và bảo tồn
Ngay sau khi trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long đã được xác định là nguồn tài nguyên vô giá cần phải bảo vệ vững chắc và lâu dài. Phải đồng thời vừa bảo tồn, vừa khai thác và phát huy bền vững giá trị của Di sản. Bảo tồn để khai thác, phát huy tốt giá trị, đồng thời khai thác, phát huy giá trị tốt sẽ tạo điều kiện để bảo tồn, quản lý Di sản tốt hơn. Đó là lý do tại sao các hoạt động về quản lý, bảo tồn luôn gắn với công tác phát huy giá trị Di sản và ngược lại.
Vấn đề bảo vệ môi trường Di sản luôn được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu với nhiều nỗ lực nhằm cải thiện, đảm bảo môi trường Vịnh Hạ Long như xúc tiến thực hiện quy hoạch quản lý môi trường Vịnh, đưa toàn bộ hoạt động vận chuyển than ra khỏi vùng lõi Di sản; xây dựng phương án thu gom rác thải trên Vịnh và vận chuyển về bờ xử lý.
Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; từng bước thực hiện xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, triển khai dự án thu gom chất thải rắn, dự án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ven bờ; tổ chức định kỳ quan trắc chất lượng nước trong Vịnh, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý môi trường, triển khai các dự án về bảo vệ môi trường.
Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long đã thu được những kết quả nhất định góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch, số lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ngày càng tăng. Doanh thu từ du lịch đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đời sống dân cư ngày càng được cải thiện.
Thực hiện chủ trương về phát triển du lịch bền vững, thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” trên cơ sở khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế của Vịnh Hạ Long, đã góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế mà thành phố Hạ Long là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, bảo tồn, phát huy Di sản được ban hành.
Tiêu biểu như Nghị quyết số 09 ngày 30/11/2002 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về công tác quản lý, bảo tồn và khai thác Vịnh Hạ Long; Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long; Nghị quyết số 68 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020; Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.
Cùng với việc xây dựng cơ chế chính sách, công tác nghiên cứu, quy hoạch, định hướng cho quản lý, phát huy Di sản về lâu dài cũng đã được quan tâm thực hiện. Điển hình là việc xúc tiến triển khai Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002; xây dựng Kế hoạch quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2011-2015; triển khai nghiên cứu Dự án tiền khả thi xây dựng Bảo tàng sinh thái Hạ Long được Chính phủ phê duyệt năm 2002, trong đó có Dự án Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã xác định nghiên cứu khoa học là một công việc quan trọng, cần thiết phục vụ cho công tác tổ chức quản lý, phát huy giá trị Di sản.
Trong những năm qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã độc lập nghiên cứu và chủ động phối hợp với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Vịnh Hạ Long như địa chất địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử, khí hậu, môi trường, thủy văn.
Những đề tài nghiên cứu trên đã từng bước làm sáng tỏ những giá trị của Vịnh Hạ Long, đưa ra các giải pháp quản lý, bảo tồn hiệu quả, phục vụ tốt công tác phát huy, khai thác các giá trị của Di sản.
Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giới thiệu về Di sản, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thiết lập trang web về Vịnh Hạ Long, từ năm 1999 mở chuyên mục về Di sản trên báo, đài của tỉnh Quảng Ninh; xuất bản gần 40 đầu ấn phẩm tuyên truyền, lắp dựng các biển quảng bá tấm lớn tại các điểm nút giao thông quan trọng. Hình ảnh Vịnh Hạ Long còn được quảng bá rộng rãi trên thế giới thông qua các kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ và giáo dục cộng đồng, tiêu biểu là đưa chương trình giáo dục bảo vệ Di sản vào trường học bắt đầu từ năm học 2000-2001, triển khai dự án Con thuyền sinh thái Hạ Long Ecoboat, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Hạ Long, tổ chức ký cam kết bảo vệ Di sản cho ngư dân, phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ Di sản.
Các hoạt động này đã có hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ Di sản./.
Theo TTXVN