Nhìn dáng vẻ “bụi bặm” với mái tóc dài sau gáy, chiếc mũ lưỡi trai
thường trực trên đầu và bộ áo quần túi hộp rộng thùng thình, ít ai nghĩ
Doãn Hoàng Giang đã xấp xỉ tuổi bát tuần.
Gặp Doãn Hoàng Giang, xem vị đạo diễn lão làng này “thị phạm” diễn viên
mới thấy hết độ “sung” trong nghệ thuật của ông. Đang chăm chú theo dõi
những cử chỉ, động tác của diễn viên, bỗng, Doãn Hoàng Giang chạy sầm
sập từ đầu này sang đầu kia sân khấu, chân giậm, tay khua, miệng nói xa
xả…
Hà Nội kiên cường và hào hoa
- Hiếm có đạo diễn nào thể hiện được phong độ như ông: trình làng hai vở
diễn quy mô gần như vào cùng một thời điểm - vở kịch “Những người con
Hà Nội” và vở chèo “Cánh chim trắng trong đêm!”
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang: Hai vở diễn bạn vừa nói là hai tác phẩm được dàn dựng chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Tiếp quảnThủ đô (1954-2014).
Cùng một chủ đề Hà Nội trong chiến đấu chống quân thù nhưng hai vở diễn mang hai sắc thái khác nhau. “Những người con Hà Nội”
không phân chia nhân vật thành các vai chính-phụ như vẫn thường thấy ở
các vở diễn khác; thay vào đó là sự nhấn nhá ở một vài vai diễn. Tôi
không đi vào khắc họa chân dung cá nhân mà muốn làm nổi bật hình ảnh của
cả một thế hệ, một lớp người.
Còn ở “Cánh chim trắng trong đêm,” vẻ thanh lịch, tinh tế của
người Hà Nội được thể hiện trên sâu khấu thông qua hình ảnh, câu chuyện
tình yêu và số phận đậm chất bi tráng, nhân văn của các nhân vật chính.
- Người ta vẫn nói, những tác phẩm “cúng cụ,” được làm nhân các dịp kỷ
niệm thì thường không hấp dẫn khán giả. Còn đạo diễn, ông nghĩ sao về
vấn đề này?
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang: “Cúng cụ” thì cũng có năm, bảy kiểu. Những gì làm chỉ để cho có thì đương nhiên sẽ không thể giữ chân được khán giả.
Còn “Những người con Hà Nội” và “Cánh chim trắng trong đêm”
là tâm huyết thực sự của tất cả các nghệ sỹ tham gia. Cả hai đều gây
được tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất vừa qua
[hai vở diễn đều được trao tặng giải thưởng “Vở diễn xuất sắc” tại liên hoan - PV]. Các đêm diễn đều chật kín người xem.
“Những người con Hà Nội” được công diễn trước “Cánh chim trắng trong đêm”
và tôi nhận được rất nhiều phản hồi của đồng nghiệp, bạn bè… Các đêm
diễn đều rất đông khán giả. Nếu quay lưng, không quan tâm thì vì lý do
gì mà người ta đi xem, suy ngẫm, nhận xét và góp ý?
Một cảnh trong vở "Những người con Hà Nội" (Ảnh: TTXVN)
- Được biết, trong số những ý kiến đó, có ý kiến cho rằng, “Những người
con Hà Nội” nên tiết chế bớt đại cảnh để giảm bớt cảm giác dàn trải. Ông
nghĩ sao về điều này, thưa đạo diễn?
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang: Sử dụng đại cảnh là sở trường của tôi. Các vở khác hoàn toàn có thể tiết chế nhưng với “Những người con Hà Nội,” sự tiết chế ấy không áp dụng được! Không khí chung của vở kịch sẽ bị ảnh hưởng nếu tiết chế.
Đó là câu chuyện về cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội mùa Đông năm 1946. Kịch bản dựng lại một giai đoạn lịch sử của Thủ đô.
Tôi dùng đại cảnh để đặt người Hà Nội vào những thử thách, những sự lựa
chọn lịch sử để xem họ có dám hy sinh xương máu, dám ôm bom càng lao vào
quân thù hay không? Đại cảnh làm nổi bật sự hy sinh, tinh thần chiến
đấu “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của cả một thế hệ.
- Bản thân ông gắn bó với Hà Nội gần sáu thập kỷ, trực tiếp sống qua
những ngày tháng ác liệt ấy. Vậy, điều gì ám ảnh ông nhất khi dàn dựng
tác phẩm tái hiện hình ảnh Hà Nội trong kháng chiến?
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang: Như bạn nói, tôi không sinh
ra ở Hà Nội nhưng đã gắn bó với nơi này suốt từ thời thanh niên trai
trẻ. Đến nay, khoảng thời gian ấy dễ cũng đến gần sáu thập kỷ. Bởi thế,
tôi cảm nhận và thấm thía cốt cách tinh thần, vẻ hào hoa, phong nhã và
sang trọng của người Hà Nội.
Tôi đau đáu thể hiện những điều đó trong tác phẩm của mình. Không chỉ
trong những lúc thanh bình mà ngay chính những giờ phút chiến đấu ác
liệt nhất, người Hà Nội vẫn thể hiện rất rõ chất hào hoa, thanh lịch đặc
trưng của mình bên cạnh sự kiên cường, quyết tâm chiến đấu và chiến
thắng.
Trong đội ngũ chiến sỹ, tự vệ Hà Nội, rất nhiều người xuất thân là văn
nhân, trí thức… Cách nói năng của họ bay bổng nhưng không sáo rỗng. Bởi
thế, không khí chiến đấu ở đây rất đặc biệt. Nó khác với khung cảnh
chiến trường ở dọc đường Trường Sơn lửa đạn hay những nơi mà phần đông
lính tráng xuất thân là những người nông dân yêu nước.
Ngày ấy và bây giờ
- Trong cảm nhận của riêng ông, Hà Nội ngày ấy và Hà Nội bây giờ có gì khác nhau, thưa đạo diễn?
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang: Hà Nội ngày ấy và Hà Nội bây
giờ khác nhau nhiều chứ! Hà Nội bây giờ hiện đại hơn, nhịp sống gấp gáp
hơn, đông đúc hơn và vì thế cũng có phần nhốn nháo hơn. Nó không còn vẻ
thanh lịch như xưa; thay vào đó là sự ồn ào, bụi bặm và nhiều thứ “lai
căng” nhố nhăng.
- Vậy, trong thời gian tới, nếu viết tiếp những kịch bản và dàn dựng
những vở diễn về Hà Nội, ông sẽ thể hiện hình ảnh Thủ đô thế nào?
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang: Hà Nội giờ đây xô bồ, nhộn
nhạo hơn nhưng tôi tin, chất hào hoa, thanh lịch ấy chưa biến mất hẳn.
Nó vẫn tồn tại, ẩn sâu lặng lẽ. Vấn đề là chúng ta phải khơi dậy điều
đó.
Những vở diễn tôi dàn dựng dù thể hiện hình ảnh Hà Nội ở bất cứ giai
đoạn lịch sử nào, tôi đều cố gắng tập trung làm nổi bật chất hào hoa,
thanh lịch, tinh tế rất riêng ấy.
"Cánh chim trắng trong đêm" giành giải "Vở diễn xuất sắc" tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2014 (Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội)
- Đúng là chưa khi nào đạo diễn Doãn Hoàng Giang có ý định dừng bước?
Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang: Tôi sẽ chỉ dừng lại khi đôi
chân không nhấc đi được nữa! Còn sức, tôi còn sục sôi với nghề. Tôi lao
vào công việc cũng để thôi thúc, giục giã, lôi kéo giới trẻ làm nghề một
cách tử tế.
- Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!
Theo Vietnam+