Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 9/9/2014 20:56'(GMT+7)

Ai nói bảo vệ bản sắc là cực đoan thì chưa hiểu vấn đề

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam

“Tiến hành di dời và không bài trí sư tử đá và các hiện vật, đồ thờ cúng không phù hợp với mỹ thuật phật giáo truyền thống của Việt Nam là nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam”, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định như vậy với phóng viên Báo điện tử VOV.

Thượng toạ Thích Đức Thiện cho biết đây là lí do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản yêu cầu Ban Văn hoá TƯ GHPGVN, Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện (đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hoá đã xếp hạng) chủ động tổ chức di dời và không bài trí các tượng sư tử đá và các linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi cơ sở thờ tự, tự viện, phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh để có nơi di chuyển đến và xử lý.

“Thực ra trong các tầng kiến trúc Phật giáo không nhất thiết là các ngôi chùa, cổng chùa đều phải bài trí sư tử đá. Dĩ nhiên là có một số di tích bài trí tùy theo tầng địa hình cũng như không gian kiến trúc ở từng ngôi chùa và nơi thờ tự khác nhau. Còn lại chúng ta nên theo các hình mẫu của truyền thống cha ông chẳng hạn như tượng sư tử thời Lý, hay tượng thời kỳ nhà Trần, thời kỳ Hậu Lê… đặc biệt là thế kỷ 17 một số tượng còn nguyên hình mẫu thì nên theo đó mà gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Hiện tượng bài trí dập khuôn hàng loạt tượng sư tử đá và các hiện vật bài trí không phải truyền thống mỹ thuật Việt Nam là vô hình chung chúng ta đã đem văn hóa ngoại lai đi vào trong truyền thống của mình”.

Thượng toạ cũng cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ truyền đạt tới các tăng ni, trụ trì các chùa chủ động trong việc công đức sẽ không tiếp nhận các hiện vật lạ, đặc biệt là sư tử đá không đúng với phong cách nghệ thuật truyền thống của Phật giáo Việt Nam, để làm tốt việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. “Trong công văn Giáo hội có nói rằng cơ sở nào có nhu cầu bài trí tượng sư tử đá hoặc tượng linh vật thì cần phải liên hệ với Ban văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để có sự hướng dẫn về hình mẫu hình tượng cho phù hợp”.

Sư tử đá kiểu Trung Quốc không phù hợp bài trí nơi thờ tự Việt Nam, nhất là ở những di tích đã được xếp hạng. ảnh : Trà Xanh

Tuy nhiên theo Thượng toạ Thích Đức Thiện, cốt lõi vấn đề là nhà quản lý nhà nước phải làm tốt công tác quản lý của mình với các di tích và cả các cơ sở chế tác sản xuất hàng đá mỹ nghệ, nơi chế tác ra những mẫu đó. “Việc ở đây không chỉ là xử lý và di dời các tượng không phù hợp trong di tích, nơi thờ tự mà các nhà quản lý phải có hướng dẫn đối với các cơ sở sản xuất mỹ nghệ để các nghệ nhân và thợ đá hiểu rõ và phân biệt rõ những mẫu mã vì khi người dân có nhu cầu loại gì thì phải đáp ứng đúng loại đó”.

Thượng toạ đặt vấn đề rằng nhân dịp này cần nhìn lại xem chuẩn mực mỹ thuật truyền thống Việt Nam của chúng ta như thế nào? Cha ông của chúng ta cũng có linh vật, có sư tử, có nghê. Vì thế bây giờ quan trọng là định hướng của Cục Mỹ thuật- Bộ VHTT&DL, hướng dẫn để người dân và các cơ sở chế tác đá hiểu rõ, không bị nhầm lẫn mẫu tượng sư tử đá Trung Quốc thành nghê Việt Nam như hiện nay vì người tiến cúng thường ra mua sẵn.

Trả lời câu hỏi của PV Báo điện tử VOV rằng việc đồng loạt di dời các hiện vật ngoại lại không phù hợp ở các di tích, nơi thờ tự có thể gây hiểu lầm là một hành động cực đoan, nhất là trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hoá, Thượng toạ Thích Đức Thiện thẳng thắn khẳng định: “Đây hành động nhằm gìn giữ thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Chúng ta không bài ngoại, nhưng hội nhập, giao lưu không có nghĩa là chúng ta đem dập khuôn tất cả mọi thứ vào nơi thờ tự một cách vô lối. Phải đặt vấn đề cho đúng, những người cho rằng đây là việc làm cực đoan là những người không hiểu rõ vấn đề”.

Việc bệ nguyên những hiện vật ngoại lai vào di tích không chỉ làm sai lệch tính nguyên gốc mà còn vi phạm Luật di sản. “Luật di sản chưa ăn sâu vào đời sống, cần phải giáo dục tuyên truyền và mỗi người phải có ý thức về văn hóa truyền thống. Nếu chúng ta đẩy mạnh việc giáo dục ý thức văn hóa truyền thống thì người dân sẽ tự nhận biết được điều gì nên và không nên”, Thượng toạ Thích Đức Thiện khẳng định./.

TheoVOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất