Đoàn Phú Tứ quê ở Kinh Bắc, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông
là Đại biểu Quốc hội khóa I, có nhiều đóng góp cho cách mạng và kháng
chiến. Ông theo học Đại học Luật nhưng lại gắn bó với nghiệp văn
chương.
Bài thơ Màu thời giancủa ông đã được Hoài Thanh, Hoài Chân chọn đăng
trong cuốn Thi nhân Việt Namvới lời bình độc đáo: "Hẳn có kẻ ngạc
nhiên khi thấy Đoàn Phú Tứ trong quyển này... Nhưng thơ hay không cần
nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm có dăm bảy bài mà hầu hết là những bài đặc
sắc. Ấy là một lối thơ tinh tế và kín đáo". Bài thơ đã được nhạc sĩ
Nguyễn Xuân Khoát và Phạm Duy phổ nhạc. Cả thơ và hai ca khúc đều được
lưu truyền rộng rãi.
Đoàn Phú Tứ còn là một trong những người đi đầu trong sáng tác kịch
bản, là bậc tiền bối của sân khấu nước nhà. Ngay từ năm 25 tuổi, Đoàn
Phú Tứ bắt đầu viết kịch. Và trong khoảng mười năm sau, khoảng 20 vở
kịch lớn nhỏ đã được ông "trình làng". Đoàn Phú Tứ đã gây được tiếng
vang lớn vào năm 27 tuổi với hai vở kịch Ngã ba và Thằng cuội ngồi gốc
cây đa. Cũng vào năm 27 tuổi, ông làm chủ nhiệm tờ Tinh hoa, cùng bạn
bè lập ra ban kịch Tinh hoa, vừa sáng tác, vừa đạo diễn, vừa thủ vai
trong nhiều vở diễn.
Trước Cách mạng Tháng Tám, kịch Đoàn Phú Tứ không chỉ hấp dẫn bởi
cách xây dựng những cá tính kịch độc đáo mà còn thu hút bởi những đối
thoại đầy tranh biện về lẽ sống với một ngôn ngữ kịch giàu chất thơ và
tính triết luận. Năm 1948, khi được cử về Đại Từ, Thái Nguyên làm Tạp
chí Văn nghệcủa Hội Văn nghệ Việt Nam, ông còn tham gia Ban chấp hành
Đoàn Sân khấu Việt Nam, vừa giảng dạy, vừa đi thực tế lấy vốn sống viết
kịch. Một năm sau, tập kịch Trở về với nhiều tác phẩm kịch ngắn ra
đời, phản ánh sinh động, chân thực nhiều tấm gương chiến sĩ và đồng bào
đã cống hiến, hy sinh cho cuộc cách mạng trường kỳ của dân tộc.Dành
tới một phần tư thế kỷ cho dịch thuật, sự nghiệp dịch của Đoàn Phú Tứ vô
cùng đồ sộ.
Những tác phẩm in đậm dấu ấn tài năng của ông là các bản dịch kịch
Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, Anh chàng ghét đời (Mô-li-e),
kịch Nhà búp bê, Hồn ma bóng quỷ, Con vịt trời(Íp-xen), tiểu thuyết Đỏ
và đen(Xtăng-đan), các tác phẩm của nhà soạn kịch Ru-ma-ni nổi tiếng
thế giới Ca-ra-gia-lê... Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về văn
học dịch (1983-1984) và Huy chương Chiến sĩ văn hóa do Bộ Văn hóa Thông
tin Việt Nam trao cho ông trong dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Nhà xuất
bản Văn học là ghi nhận rõ ràng của xã hội đối với tài năng và sự lao
động nghiêm túc, miệt mài trong lĩnh vực dịch thuật của Đoàn Phú Tứ.
Ghi nhận những cống hiến đặc biệt của Đoàn Phú Tứ cho cách mạng, cho
nền văn học nghệ thuật nước nhà, thành phố Đà Nẵng đã lấy tên ông để
đặt tên cho một đường phố ở phường Khánh Hòa, quận Liên Chiểu.