Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 1/9/2014 23:1'(GMT+7)

Tuyên ngôn Độc lập: Kết tinh khát vọng giải phóng con người

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945

Tuyên ngôn Độc lập – Áng hùng văn bất hủ, lắng sâu hồn thiêng sông núi, đã thấm đậm nhanh chóng vào từng trái tim, khối óc của những người cần lao Việt Nam, làm nức lòng hàng chục triệu con người ngay từ những câu đầu tiên: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"; "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Và, "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".

Để đi tới “lẽ phải” trên đời ấy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã phải vượt qua muôn ngàn sóng gió, thác ghềnh; trải qua bao nhiêu năm tháng hoạt động gian khổ trên khắp các châu lục của địa cầu, cùng với những năm tháng lăn lộn với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là “lẽ phải” được kết tinh từ tinh thần yêu nước, thương nòi của dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử, cùng với sự tiếp thu những văn minh tinh túy của nhân loại, được thấm đượm và ngấm sâu trong trái tim yêu nước, thương nòi của Hồ Chí Minh. Đó là “lẽ phải” được  đúc kết không chỉ từ việc lĩnh hội được tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, làm cho Người “muốn khóc to lên cùng dân tộc” mà còn từ những tư tưởng lớn đại diện cho sự phát triển của lực lượng sản xuất tiến bộ trên thế giới; không chỉ của thời đại Người đang sống mà còn là khát vọng của nhân loại ở nhiều tầng thời đại trước đó; không chỉ từ Tuyên ngôn Đảng Cộng sản do C. Mác và Ăngghen tuyên bố (năm 1848) mà còn được rút ra từ những bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ; Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, chứa đựng khát vọng chảy bỏng vì quyền được tự do, quyền được bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người; đó còn là sự kết tinh không chỉ từ những trước tác của các lãnh tụ cộng sản vĩ đại hiện thời mà còn có cả từ Khổng tử, Giê su, thánh Grêgoire, Gandhi, hay Thánh Francis và Abraham Lincohn …; không chỉ ở phương Đông mà cả ở phương Tây.

Không phải tự nhiên mà có, cũng không phải dễ dàng để Tuyên ngôn Độc lập trở thành áng hùng văn bất hủ cả về tầm cao tư tưởng, lẫn chiều sâu văn hóa. Điều cốt lõi làm nên tầm cao ấy, là đã giải đáp thỏa đáng khát vọng về giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người, xây dựng một xã hội mới ở tầm cao thời đại. Đó là tinh thần tiêu biểu cho ý chí của hai mươi triệu người Việt Nam lúc bấy giờ: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe chống minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập". Cả dân tộc Việt Nam cùng Người ngẩng cao đầu tuyên thệ và trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Trên hành trình tìm đường cứu nước, đưa dân tộc thoát khỏi ách áp bức nô lệ, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề trọng tâm là giải phóng con người và đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hành động của Người. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy Người từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa quốc tế vô sản; từ một người dân lầm than, nô lệ đến với những cuộc đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, chỉ nhằm vào mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Từ rất sớm, Người đã nhận thấy rõ, dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam không có quyền tự do, bình đẳng và không có quyền mưu cầu hạnh phúc: "Bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, đàn áp đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa", Lịch sử cận, hiện đại Việt Nam đã chứng minh rõ rã tâm xảo quyệt đó của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Trong chính sách cai trị ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, thực dân Pháp tước hết quyền tự do, dân chủ của nhân dân bản xứ; “chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học” và thẳng tay đàn áp, chém giết những người yêu nước, thương nòi, “tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”; bóc lột nhân dân ta đến tận cùng xương tủy, làm cho “nước ta xơ xác, tiêu điều”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đồng bào chúng ta đã đau khổ đến tột bực rồi. Dân chúng trong nước chỉ có một yêu cầu là đánh đuổi quân thù, khôi phục tổ quốc, giải phóng nhân dân".

Vượt lên mọi thời đại, vượt lên mọi tư tưởng đương thời, với tầm nhìn chiến lược sâu sắc và với một sự ham muốn tột bậc là "làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" đã tạo nên một tầm cao về khát vọng giải phóng con người của Hồ Chí Minh.

Chính từ tầm cao, chiều sâu văn hóa ấy, đã thôi thúc Người tìm ra chân lý để đánh bại những mưu đồ thâm độc của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Đối với Người, mục đích cách mạng cao cả nhất là độc lập dân tộc gắn liền với tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngay sau những ngày tuyên bố độc lập, Hồ Chí Minh đã nói: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (ngày 10/1/1946), Người đã chỉ rõ: "Chúng ta tranh đấu cho tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân ăn no, mặc đủ...”. Với khát vọng đó, Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tôi mong rằng các ngài hãy đem hết tài năng và trí thức giúp Chính phủ về mặt kiến thiết để đạt cho được mục đích làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở và làm cho dân được học hành".

Có thể nói, khát vọng giải phóng con người của Hồ Chí Minh là tư tưởng đẹp nhất trong muôn vàn những tinh hoa tư tưởng đẹp nhất của "thế giới người hiền" cũng như của các bậc vĩ nhân, hiền triết đương đại. Đó là sự kết tinh khát vọng cao cả và mãnh liệt của nhân loại, vượt lên cả mọi thời đại, trở thành đỉnh cao văn hóa hoàn thiện đến mức hiếm có và hiếm thấy trong tư tưởng của các lãnh tụ khác trên thế giới.

Như một nhà hiền triết, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở "Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của nước chúng tôi". Và, trên quan điểm biện chứng và duy vật lịch sử, Hồ Chí Minh đã đúc kết: "Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Nếu họ còn sống trên đời này và họp lại một chỗ, tôi tin rằng nhất định họ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy". Chỉ vậy thôi, cũng đủ thấy Hồ Chí minh là bậc Đại trí ở đời.

Rõ ràng, Người tu dưỡng theo phương pháp cách mạng nhưng cũng đạt tới trạng thái mà các nhà ẩn cư Hy Lạp hằng mơ tưởng, trút bỏ đến mức tối đa "lớp vỏ da" do Adam và Eva bận vào lúc bị trục xuất khỏi vườn địa đàng (Eden). Người cũng vươn tới sự hòa thượng đẳng giữa linh hồn và thể xác như Thánh Grêgoire đã mô tả. Người cũng vươn tới sự kết hợp hài hòa giữa Thánh Francis xứ Assisi, biểu tượng của đức tính nhân ái Thiên Chúa giáo và Abraham Lincohn - vị tổng thống Mỹ biểu trưng cho sự đoàn kết của cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ… Nhưng Người lại sống giữa quần chúng nhân dân cực kỳ bình dị. Cái bên ngoài bình dị ấy lại tôn vinh cái tâm hồn cách mạng cao cả của Người, cái tâm bao la trong sáng của một vĩ nhân luôn yêu thương và chia sẻ với đồng loại.

Nếu không có tâm hồn cách mạng cao cả và cái tâm bao la trong sáng ấy, thì làm sao một lãnh tụ tối cao của dân tộc lại có thể nghĩ đến những điều mong mỏi nhỏ nhất của từng con người, để rồi căn dặn các tổ chức của mình phải để tâm, chăm lo đến họ: "Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà, mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta".

Tuyên ngôn Độc lập được kết tinh những giá trị cao cả về khát vọng giải phóng con người. Khát vọng ấy, sau này lại được thể hiện trong Di chúc thiêng liêng của Người với lời căn dặn Đảng ta: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Đảng và Nhà nước phải quan tâm tới mọi đối tượng trong xã hội, không quên bất cứ ai. Sự quan tâm ấy thể hiện tình thương yêu bao la với mọi thân phận trong xã hội, từ những cán bộ đảng viên trung kiên đến quần chúng nhân dân lao động và đến cả “những người trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu...” mà Hồ Chí Minh cho là nạn nhân của chế độ xã hội cũ. Ai ai cũng có một phần mình trong trái tim yêu thương và bao dung của Người. Những giá trị tư tưởng ấy đã vượt qua không gian và thời gian, thấm đậm vào lòng dân tộc và mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Trong bài viết cuối cùng vào ngày 14-7-1969 trả lời phóng viên báo Granma (Cu Ba): "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi" như một lời tiền định để khép lại cuộc đời hoạt động đầy sóng gió của Người cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại cần lao. Tầm cao văn hóa ấy được phát ra từ trái tim lớn Hồ Chí Minh, gây xúc động hàng triệu con tim yêu chuộng hòa bình trên thế giói: "Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp lại cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình thành nỗi đau khổ của tôi".

69 năm đã qua, Tuyên ngôn Độc lập đã góp phần “làm rạng rỡ non sông, đất nước ta”. Toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam đã "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải" đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, chống lại mọi âm mưu diễn biến hòa bình "để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Trong công cuộc đổi mới, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu đáng tự hào, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đất nước, thực hiện hội nhập quốc tế, tạo ra thế và lực mới, từng bước biến khát vọng vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của Hồ Chí Minh trở thành hiện thực - Giải phóng con người.

Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi là một áng hùng văn bất hủ. Những tinh túy trong Tuyên ngôn Độc lập về tiền đồ dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân vẫn đồng hành cùng non sông đất nước, đồng hành cùng dân tộc trên con đường xây dựng một nước Việt Nam mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” vì mục tiêu phát triển toàn diện con người, hướng đến chân - thiện - mỹ, nhân văn, dân chủ và khoa học, góp phần làm phong phú hơn tư tưởng của Người về khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, về quyền độc lập tự do cho mỗi con người.

TS. Nguyễn Thành Vinh

Tạp chí Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất