Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 7/11/2015 21:53'(GMT+7)

Ra mắt tác phẩm “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Nga

Chiều 6/11, Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức lễ ra mắt tác phẩm “Truyện Kiều” được dịch sang tiếng Nga.

Đây là một công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt-Nga, gồm những nhà Việt Nam học, Nga học, trong nhiều năm qua đã tham gia các chương trình trao đổi, truyền bá văn hóa Nga-Việt như Phó Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, dịch giả Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi, nhà thơ Vasili Popov (Nga), nhà Việt Nam học người Nga, PGS Ngôn ngữ học Anatoli Socolov. Được thực hiện từ năm 2013, tác phẩm “Truyện Kiều” được dịch sang tiếng Nga dựa trên cơ sở văn bản tập khảo đính “Truyện Kiều” của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7, dịch sang tiếng Nga vẫn mang tên Kiều (КИЕУ) và có tên thứ hai là "Đoạn trường tân thanh" (Стенания стерзанной души).  Trong quá trình dịch, nhóm dịch giả tuân thủ theo nguyên tắc là tác phẩm được dịch ra văn xuôi và hiệu đính lần thứ nhất, sau khi hiệu đính xong lần thứ hai mới dịch ra thơ. Bản dịch thơ đã được đối chiếu với bản dịch văn xuôi một cách kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở trao đổi, góp ý và cuối cùng thống nhất ý kiến. 

Phát biểu tại buổi lễ Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Chủ biên bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga cho biết, tác phẩm này là nhịp cầu văn hóa giữa hai nước Việt - Nga. Đây là niềm vui lớn của giới nghiên cứu văn học Việt Nam, giới nghiên cứu văn học Nga, là mong mỏi của nhiều thế hệ dịch giả tiếng Nga say mê Truyện Kiều và các nhà Việt Nam học nói chung.  Năng lượng của Truyện Kiều để lại vô cùng lớn, giá trị nhân văn mãi mãi đồng hành cùng đất nước Việt Nam. 

Nhóm dịch giả đã xác định điều quan trọng nhất không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường mà là làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung “Truyện Kiều” mà không làm mất đi vẻ đẹp về nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam.Bên cạnh đó, nhóm cũng thực hiện việc đánh số các câu thơ trong bản tiếng Nga nhằm giúp người đọc theo dõi nội dung của truyện thơ. Để giúp độc giả Nga các lứa tuổi, tầng lớp xã hội và học vấn khác nhau bước đầu tiếp xúc với tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Lời nói đầu của cuốn sách viết khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII. 

Phần tóm tắt "Truyện Kiều" được viết một cách chọn lọc, tương đối chi tiết theo diễn biến của cốt truyện. Sau đó là sự phân tích ngắn gọn, làm nổi bật “Truyện Kiều” là tác phẩm mang tính hiện thực và nhân đạo cao cả, một bộ tiểu thuyết bằng thơ (роман в стихах) được coi là một bộ Bách khoa toàn thư về xã hội Việt Nam trong quá khứ... 

Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 2 năm nỗ lực thực hiện, tác phẩm Truyện Kiều, với sự đặc định của các mã văn chương trung đại thể hiện ở sự dày đặc các điển tích, điển cố, với nhiều câu thơ mang đậm phong vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam. Đặc biệt, với một nghệ thuật thơ bậc thầy, trong đó phải kể đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nhạc điệu, hình ảnh, biểu tượng, đã được nhóm dịch giả chuyển tải sang tiếng Nga. 

Theo Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt, Ngài Vladimir Buianov hy vọng không chỉ có Truyện Kiều mà tiếp sau sẽ có nhiều tác phẩm văn học khác của Việt Nam được dịch ra tiếng Nga. Truyện Kiều là tác phẩm gắn liền với lịch sử của 2 nước liên quan đến cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập dân tộc. Tác phẩm có ý nghĩa với giới trẻ ngày nay trong việc nhìn nhận, lựa chọn để tìm ra con đường định hướng, dành lại độc lập tự chủ cho đất nước. Truyện Kiều phiên bản tiếng Nga có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những người nghiên cứu văn học.

Cho đến nay kiệt tác "Truyện Kiều" đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với 35 bản dịch. Đây là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1766-2016). 

Thu Hằng
 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất