Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 9/10/2013 16:1'(GMT+7)

“Địch đến ào ạt thì không đáng sợ”

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lá thư gửi cụ Nguyễn Văn Huyên và cụ Hồ Đắc Di.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lá thư gửi cụ Nguyễn Văn Huyên và cụ Hồ Đắc Di.

“Bây giờ khi Đại tướng vĩnh viễn ra đi, đọc lại bức thư tôi càng thấy xúc động. Bức thư chứa đựng nhiều ý nghĩa, đặc biệt là đoạn cuối, thể hiện một con người tình cảm, một vị tướng tài ba đĩnh đạc với tầm nhìn sắc sảo và một nhân cách lớn”- TS. Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Cuốn Hồi ký “Tiếp bước chân cha” của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh – trưởng nữ của GS. Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, viết từ năm 1990 và hoàn thành vào năm 2003, NXB Thế giới ấn hành, cho biết, cha bà nhận được thư của ông Võ Nguyên Giáp vào tháng 10-1947. Thư đồng gửi cả cho cụ Hồ Đắc Di và anh chị em sinh viên.

Cũng theo cuốn hồi ký, cả gia đình cụ Nguyễn Văn Huyên rời Hà Nội tản cư lên Việt Bắc trước ngày 19-12-1946, tức là trước khi có Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Bác Hồ. Họ phải dừng lại ở Vân Đình, rồi qua làng Đốc Tín rồi lần ngược lên Phú Thọ, Tuyên Quang.

Nhật ký bà Vi Kim Ngọc viết: Bác Phạm Văn Đồng lại nhà nói các chị nên đưa các cháu bé ra khỏi Hà Nội... Ổn định rồi trở về. Thế là ba gia đình Huyên, Di, Tùng (Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng) bỏ lại tất cả tài sản gia đình trí thức phong lưu ra Vân Đình, huyện Ứng Hoà với một số đồ dùng tối thiểu để sinh hoạt.

Đó là một chuyến đi dài mà ngay cả cụ Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc cũng không thể ngờ 9 năm sau gia đình mới trở lại thủ đô.

Khi đó, cụ Nguyễn Văn Huyên đang được Bác Hồ giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cụ Hồ Đắc Di – bác sĩ phẫu thuật tài ba tu nghiệp ở Pháp về giữ chức Tổng giám đốc Đại học vụ. Họ tản cư gần như toàn bộ Đại học Việt Nam lên chiến khu Việt Bắc.

Hồi ký bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh viết: “Năm 1947, khi lên tới Chiêm Hóa, tình hình chiến sự bắt đầu căng thẳng. Bấy giờ (tôi đâu có hay) bọn trẻ không biết được mà chỉ đến ngày chạy liên miên vào các lán thì mới biết là giặc đang rượt đuổi chúng tôi… Tháng 10 năm 1947, cha tôi nhận được thư của ông Võ Nguyên Giáp, đồng gửi cả cho chú Di”.

Thư Đại tướng mở đầu: “Tôi viết thơ này cho các anh trong lúc đi đang đi thăm mặt trận”… Đó chính là thời điểm quân Pháp nhảy dù bao vây An toàn khu ở Việt Bắc.

Bức thư phủ gần kín 4 mặt giấy có in tiêu đề Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ với nét chữ giản dị và lối ghi rõ ràng từng điểm cần lưu ý. Đại tướng thông báo tình hình chiến sự, căn dặn anh em sinh viên những việc cần làm ở chiến khu và động viên họ tin tưởng ở tương lai.

Đặc biệt, đoạn cuối bức thư dành cho hai vị Bộ trưởng Giáo dục và Giám đốc Đại học, Đại tướng viết: “Hai anh có điều gì cần điện cho tôi cứ chuyển cho khu X điện. Tôi nhớ các em bé lắm. Nhớ mấy ngày tươi mát ở trên ấy lắm, nhớ hôm tụ tập nói chuyện với anh em sinh viên. Gửi lời chào các chị.

Mong hai anh dắt dìu sinh viên cố gắng…

Hôm nay máy bay lại đến nhiều. Chúng tiếp tục nhảy dù. Bây giờ là thế thắng của chúng. Rồi đây là thế thắng của ta. “Địch đến ào ạt thì không đáng sợ” (Trần Hưng Đạo)”.

Câu cuối cùng Đại tướng dẫn lời Trần Hưng Đạo cho thấy tầm nhìn của người cầm quân.

Trong ký ức những người con của cụ Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, bức thư ấy, cũng như hình ảnh về những tháng năm sơ tán ở chiến khu không chỉ là một kỷ niệm sâu sắc về một đoạn đời đáng nhớ, mà còn là nhiều bài học để họ nhắc mãi về sau.

Lần giở đúng trang in bức thư trong cuốn hồi ký của chị mình, bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu (con gái thứ ba của cụ Nguyễn Văn Huyên và là chị gái của TS.Nguyễn Văn Huy) nói, khi đó bà còn nhỏ, nhưng sau này mọi người trong gia đình cứ có dịp sum họp là hay lấy bức thư ra để đọc. Cuốn hồi ký của bà Hạnh để trên giá sách, vì thế mà được lật giở liên tục.

TS. Nguyễn Văn Huy, trưởng nam của cụ Huyên và bà Kim Ngọc, là em út của các chị Nữ Hạnh, Bích Hà và Nữ Hiếu, khi đó hãy còn rất nhỏ . Lớn lên, ông biết cha mình giữ bức thư này như một kỷ vật và tư liệu lịch sử quý, rồi trở thành một kỷ vật mà các chị em ông gìn giữ suốt đời. Cho đến bây giờ, khi Đại tướng – người cuối cùng còn sót lại của thế hệ cha mình- vĩnh viễn ra đi, đọc lại bức thư này đối với ông như là một trải nghiệm sâu sắc lần nữa đối với cuộc đời nghiên cứu của mình.

Chỉ mấy câu chữ giản dị, nhưng sự ân cần của một trái tim nhân hậu, tâm hồn rộng mở, và đặc biệt là cái tinh thần, bản lĩnh an nhiên tự tại của một vị tướng chỉ huy quân sự tài ba thể hiện rõ. Bức thư như một bút tích của Đại tướng, nhưng để lại một di sản tinh thần mang chứa nhiều giá trị nghiên cứu, học hỏi cho thế hệ sau.

Dưới đây là nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho cụ Nguyễn Văn Huyên và cụ Hồ Đắc Di:

H.MINH- H. VÂN/NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất