Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 14/3/2019 13:57'(GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người

Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Vĩnh Tuy phun thuốc tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn vào tỉnh Hà Giang.

Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Vĩnh Tuy phun thuốc tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn vào tỉnh Hà Giang.

Dịch bệnh đã xuất hiện ở 136 xã/37 huyện của 13 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu huỷ là 14.368 con. Trong đó, một số tỉnh đang là “điểm nóng” của dịch bệnh như Hưng Yên (tiêu huỷ 3.007 con), Thái Bình (tiêu huỷ 6.448 con), Hải Phòng (tiêu huỷ 3.374 con), Hải Dương (tiêu huỷ 446)…

Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT cho biết, đối với dịch tả lợn châu Phi, do chưa có vắc-xin phòng, trong khi đó virus dịch tả lại có thể sống sót suốt vài tháng trong môi trường và xác lợn, việc ướp muối hay nướng và xông khói thịt lợn cũng không thể tiêu diệt được virus.

Ngoài ra, virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami… Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim cư trú…), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người cũng là những cách lây lan mầm bệnh.

Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn trong ổ dịch phát hiện ở Ngân Sơn, Bắc Cạn. (Ảnh: TUẤN SƠN)

Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn trong ổ dịch phát hiện ở Ngân Sơn, Bắc Kạn

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, lợn khỏi bệnh về lâm sàng có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Mặc dù con người không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tả lợn châu Phi nhưng lại có thể lan truyền virus thông qua trang phục hoặc thiết bị nhiễm khuẩn, do đó khi phát hiện có xâm nhiễm dịch phải tiêu hủy toàn bộ lợn bị nhiễm virus dịch tả châu Phi.

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

Trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp, lan rộng, tại Hội nghị trực tuyến triển khai giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi, diễn ra ngày 4/3 vừa qua tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân ở khu vực biên giới.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Từ tháng 8/2018, khi có nguy cơ bệnh dịch có khả năng lây lan, xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã báo cáo, tham mưu cho Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch bệnh quyết liệt, kịp thời tránh để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Thủ tướng Chính phủ đã ra một loạt các văn bản, công điện khẩn, quyết định, chỉ thị gửi các bộ, ban, ngành của 63 tỉnh, thành trong cả nước về phòng chống dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh việc không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi là công việc của cả hệ thống chính trị các cấp, của các tầng lớp nhân dân chứ không chỉ riêng của ngành thú y....

Người dân tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện biện pháp “cho ăn chín, uống sôi” trong nuôi dưỡng lợn, nhằm ngăn chặn mọi nguồn cơn gây dịch bệnh. (Ảnh: ĐỨC TÙNG)

Người dân tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện biện pháp “cho ăn chín, uống sôi” trong nuôi dưỡng lợn, nhằm ngăn chặn mọi nguồn cơn gây dịch bệnh.

Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, trong đó có nêu lên các tình huống, giải pháp phòng, chống dịch bệnh cụ thể đã được các bộ, ngành và các địa phương góp ý, thống nhất trước khi ban hành…

Bộ NN&PTNT cũng đã thường xuyên đôn đốc, giám sát công tác kiểm dịch thú ý; tổ chức 4 hội nghị nhằm phổ biến công tác phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo Cục Thú y cung cấp tài liệu thông tin tuyên truyền cho các cơ quan thông tấn báo chí truyền thông về bệnh dịch tả lợn châu Phi với tinh thần vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang, tẩy chay thịt lợn; thành lập 8 đội phản ứng nhanh nhằm ứng phó với tình huống cấp bách tại những ổ dịch mới, nghi có dịch…

Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành có đại diện các bộ, ngành tham gia do Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn trực tiếp là trưởng đoàn đến các “điểm nóng” dịch bệnh (Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai) để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam; Cục Thú y thành lập trên 26 Đoàn công tác đến tất cả 26 tỉnh, thành phố trọng điểm về chăn nuôi lợn, các tỉnh giáp biên giới, cửa khẩu quốc tế…

NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH

Theo báo cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi như Liên bang Nga, Trung Quốc, Mông Cổ, Đài Loan,... Ngoài ra các nước trong khu vực lân cận có chung biên giới với Việt Nam đã có dịch bệnh này xuất hiện nhưng chưa công bố chính thức.

Trong nhiều năm qua công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thuỷ sản đã tổ chức triển khai đồng bộ tương đối tốt tại nhiều địa phương trong cả nước. Kết quả, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, khống chế. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện việc sáp nhập thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; cơ quan thú y cấp huyện sáp nhập thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp nhưng việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả, có nhiều tồn tại, bất cập như: không chủ động tổ chức giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh; không tổ chức thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không triển khai tiêm phòng vắc xin; không thực hiện các biện pháp kiểm dịch xuất, nhập vào địa bàn cấp tỉnh; không xử lý các trường hợp vi phạm…

Hiện nay, giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu huỷ buộc phải tiêu huỷ theo quy định là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế nội dung này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi chăn nuôi lợn; thủ tục hỗ trợ mát nhiều thời gian, người dân bán cháy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y.

Nhiều địa phương không bố trí kinh phí thù lao hoặc có bố trí nhưng mức trả rất thấp so với chi phí thực tế, dẫn tới tình trạng ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống nhất là khi cần phải thực hiện trong thời gian dài.

Nguồn nhân lực bị cắt giảm do tinh giản biên chế ở hệ thống thú y các cấp, dẫn tới tình trạng vừa không đủ người, vừa không có đủ công chức để thực hiện việc kiểm dịch động vật, cũng như các hoạt động thú y khác.

Hóa chất sử dụng phòng, chống dịch bệnh còn thiếu, các trang thiết bị, phương tiện đi lại của nhiều địa phương và các cơ quan chuyên môn đã cũ, lạc hậu, không còn hoạt động hiệu quả…

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần vừa đảm bảo chống được dịch bệnh lây lan, vừa đảm bảo bảo vệ, phát triển ngành chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang, tẩy chay thịt lợn việc tuyên truyền được đánh giá tốt, hiệu quả kể cả ở những địa phương chưa có dịch bệnh.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do vậy cần tiếp tục tuyên truyền trên các báo, đài để xã hội không quay lưng với ngành chăn nuôi, thịt lợn do virut không gây hại với người và động vật khác, chỉ lây bệnh đối với lợn nhà và lợn rừng.

Lập chốt, rắc vôi bột vào xóm 7, xã Quỳnh Mỹ. (Ảnh: THÀNH CHÂU)

Lập chốt, rắc vôi bột.

Hiện đàn lợn Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số lượng. Do vậy nếu không tuyên truyền tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Thông tin tuyên truyền cần chính xác theo diễn biến, tình hình dịch bệnh, đảm bảo vừa chống dịch bệnh hiệu quả nhưng cũng cần phải giúp ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định, không gây tâm lý hoang mang trong người dân.

Thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông cần được kiểm định chặt chẽ, chính xác, phản bác các thông tin sai lệch của các thế lực thù địch./.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất