Luôn bị xem là “vùng trũng” của bóng đá thế giới nhưng ở nước Anh năm nay, các đại diện của châu Á đã thi đấu vô cùng quật khởi và để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với khán giả. Họ đang sẵn sàng tạo nên các bất ngờ tiếp theo của Olympic 2012...
Những bất ngờ đến từ các chàng trai châu Á
Cú sốc lớn đầu tiên của môn bóng đá nam tại Thế vận hội London 2012 đến từ Nhật Bản với thắng lợi bất ngờ song hoàn toàn xứng đáng trước Tây Ban Nha, một ứng viên nặng kí cho chức vô địch. Trước đối thủ trội hơn mình về mọi mặt, các chàng trai của HLV Takashi Sekizuka đã thi đấu đầy tự tin và giành trọn vẹn 3 điểm nhờ pha lập công duy nhất của Yuki Otsu
Đó là một trận đấu mà Nhật Bản đã thi đấu hợp lí, quả cảm trong suốt 90 phút. Dàn sao La Furia Roja đã không thể “nhảy” điệu tiki-taka như thường lệ bởi lối đá khó chịu và không ngại áp sát của đội tuyển đến từ đất nước mặt trời mọc.
Tiếp sau tài năng trẻ Yuki Otsu - người hiện đang thuộc biên chế của các nhà ĐKVĐ Bundesliga Dortmund, đến lượt Nagai đóng vai “thần tài” cho Nhật Bản với bàn thắng quý giá vào lưới Morocco. Với thành tích giành 6 điểm sau 2 trận, Nhật Bản thậm chí đã sánh ngang với những gì mà Brazil đang làm được.
Như vậy, thầy trò Takashi Sekizuka đã hiên ngang thẳng tiến vào vòng tứ kết sớm trước một vòng đấu, trong bối cảnh những “ông lớn” như Tây Ban Nha bị loại sớm còn Vương quốc Anh và Uruguay thì phải quyết chiến cho tấm vé đi tiếp ở loạt trận thứ 3 vòng bảng.
Cùng với Nhật Bản, U23 Hàn Quốc cũng đang thi đấu thăng hoa tại Olympic năm nay với 1 trận thắng, 1 trận hòa sau 2 lượt đầu tiên. Ngày ra quân, Hàn Quốc đã cầm hòa Mexico 0-0 trong một trận cầu đôi công hấp dẫn và sức mạnh của họ được chứng tỏ với khi đả bại U23 Thụy Sĩ 2-1 trong một thế trận trên cơ hoàn toàn đêm qua.
Nếu thủ thành Diego Benaglio, “người gác đền” nổi đình nổi đám của Wolfgburg không thi đấu xuất thần thì chiến thắng của Hàn Quốc thậm chí sẽ còn tưng bừng hơn. Dù vậy, các học trò của HLV Hong Myung-Bo cũng đã có thể tự tin cho tấm vé đi tiếp của mình vào vòng trong.
Không chỉ Nhật Bản, Olympic Hàn Quốc cũng đang chơi tuyệt hay
Không chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc mà ngay cả đại diện thứ 3 của châu Á ở môn bóng đá nam là UAE (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) cũng để lại những dấu ấn nhất định của mình ở Olympic 2012. Kể cả khi để thua cả 2 trận trước Uruguay và Vương quốc Anh (1-2 và 1-3) nhưng UAE đã chứng tỏ được sự tiến bộ của mình và đã có những thời điểm thi đấu ngang cơ với các “ông lớn” kia.
Đội nữ cũng chẳng kém cạnh
Ngoài ra, ở môn bóng nữ, hai đại diện châu Á là Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên đều đang có những cơ hội cho riêng mình. Đội nữ Nhật Bản (4 điểm) dù tạm xếp thứ 2 ở bảng F song họ chính là những người sở hữu khả năng đi tiếp cao nhất do chỉ phải tiếp các cô gái Nam Phi ở lượt cuối trong khi hai đối thủ cạnh tranh còn lại là Canada (3 điểm) và Thụy Điển (4 điểm) sẽ phải gặp nhau.
Tình hình của đội nữ Triều Tiên không khả quan như vậy bởi sau thảm bại 0-5 trước tuyển Pháp, họ đã tụt xuống vị trí thứ 3 và buộc phải thắng Mỹ mới mong chắc suất đi tiếp. Ai cũng biết ở môn bóng đá nữ, Mỹ là một quyền lực thật sự song trái bóng luôn tròn và mọi thứ đều có thể xảy ra trong một ngày các cô gái của Triều Tiên chơi bùng nổ.
Vận hội cho châu Á ở môn bóng đá Olympic năm nay?
Nếu không xảy ra những bất ngờ lớn, nhiều khả năng châu Á sẽ còn lại 2 đại diện Nhật Bản, Hàn Quốc ở môn bóng đá nam và đội nữ Nhật Bản cạnh tranh cho tấm HCV ở nội dung giành cho phái yếu. Thực ra, bóng đá của Nhật Bản và Hàn Quốc, hai “đại gia” hàng đầu của châu Á đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong suốt một thập kỉ qua chứ không chỉ ở Olympic năm nay.
Các cô gái của đất nước mặt trời mọc thậm chí đang là ĐKVĐ thế giới
Nếu như thành tích ở World Cup 2002 thường bị gán với lợi thế sân nhà thì đến ngày hội bóng đá ở Nam Phi 2 năm trước, thế giới đã phải nhìn nhận sức mạnh của nền bóng đá châu Á với con mắt khác. Nhật Bản và Hàn Quốc vượt qua vòng đấu bảng một cách thuyết phục trước khi dừng bước ở vòng knock-out đầu tiên trước Paraguay và Uruguay.
Tuy nhiên, trong cả 2 trận đấu với những đội tuyển đã lọt vào chung kết Copa America 2011 này, 2 đại diện của châu Á đã chơi sòng phẳng và chỉ chịu thua sát nút vào phút cuối (Hàn Quốc) hay trên chấm penalty định mệnh (Nhật Bản). Với bóng đá nữ Nhật Bản, chiến tích lên ngôi ở World Cup 2011 diễn ra tại Đức năm ngoái là lời khẳng định cho vị thế của họ.
Lọt qua được vòng đấu bảng đã là thành công tương đối song vẫn còn những thử thách thậm chí còn lớn hơn đang chờ đợi các đại diện của bóng đá châu Á phía trước. Dù vậy, với những gì đã làm được cho đến lúc này, họ có quyền tự hào và mong chờ được viết tiếp câu chuyện thần tiên của mình./.
(Theo Dân Trí)