Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 2/6/2014 10:22'(GMT+7)

Điểm tựa pháp lý vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tại huyện miền núi Bác Ái, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ kịp thời về mặt pháp lý, từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật, giúp bà con an tâm lao động, ổn định đời sống. 

Đến thăm Chi nhánh số 1 của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận, đóng tại huyện miền núi Bác Ái - một trong 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chúng tôi gặp một số người dân đến đây xin được trợ giúp pháp lý về lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Sau khi trình bày rõ sự việc, bà con được trợ giúp viên pháp lý tư vấn về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, được hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các thủ tục pháp lý sao cho đúng quy định pháp luật. Đó là một trong những công việc mà các cán bộ của Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 1 vẫn làm hàng ngày. Đặc biệt, người dân khi gặp những vướng mắc về quan hệ pháp luật dân sự như đất đai, hôn nhân và gia đình…khi tìm đến Chi nhánh này đều được tư vấn, hỗ trợ miễn phí. 

Ông Hoàng Xuân Ích, Trưởng Chi nhánh cho biết: Huyện miền núi Bác Ái có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Do trình độ dân trí thấp nên nhận thức của bà con về các chính sách pháp luật còn rất hạn chế. Vì vậy, việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con rất được chú trọng và thực hiện linh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh tổ chức tư vấn tại trụ sở, Chi nhánh còn thường xuyên phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tạo điều kiện để đồng bào ở tất cả các xã trên địa bàn huyện đều được trợ giúp pháp lý. Trong những đợt trợ giúp pháp lý lưu động này, lực lượng trợ giúp pháp lý tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến cho bà con về nội dung các luật như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…; tiến hành tư vấn, hỗ trợ miệng hoặc bằng văn bản những vấn đề vướng mắc của bà con. 

Chi nhánh thường xuyên cử cán bộ xuống hướng dẫn các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý tại các xã về cách thức sinh hoạt câu lạc bộ hàng tháng bằng nhiều hình thức khác nhau như: trao đổi, thảo luận về các vụ việc, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, hoặc những vấn đề pháp lý do các đối tượng tham dự đưa ra; tư vấn trợ giúp pháp lý; hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân tại các buổi sinh hoạt; giới thiệu về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người dân. 

Bên cạnh đó, Chi nhánh còn đặt bảng thông tin tuyên truyền và hộp thư về trợ giúp pháp lý tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã; biên soạn, in ấn, phát hành các tờ rơi, ấn phẩm tuyên truyền pháp luật miễn phí cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, bất kể khi nào bà con có những vướng mắc về pháp luật mà không thể đến trụ sở của Chi nhánh thì có thể gửi đơn thư tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã để được cán bộ trợ giúp pháp lý trả lời kịp thời. 

Theo ông Hoàng Xuân Ích, trước đây rất ít bà con dân tộc thiểu số ở địa phương biết đến Trung tâm trợ giúp pháp lý vì họ không hiểu được vai trò của Trung tâm. Nhưng thời gian gần đây, bà con đã hiểu hơn về trợ giúp pháp lý là để bảo vệ quyền lợi của họ nên ngày càng có nhiều người từ khắp nơi tìm đến trung tâm xin tư vấn. Từ đầu năm 2013 đến nay, Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 1 đã thụ lý 107 vụ liên quan đến pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và trẻ em, luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng…Trong đó, cán bộ trợ giúp pháp lý đã giải quyết được 104 vụ, còn tồn 3 vụ thuộc án hình sự do đang trong giai đoạn điều tra, truy tố và chờ xét xử. Ngoài ra, Chi nhánh còn tư vấn miễn phí cho hàng trăm lượt người dân không thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu.
 
Để việc tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, bản thân người tư vấn phải vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp tư vấn. Điều quan trọng nhất là phải xác định được trình độ nhận thức của bà con, nắm bắt tâm lý của họ, đồng thời phải hiểu phong tục, tập quán của bà con để có hình thức tư vấn thích hợp. “Có những khi mình nói bà con không nghe, nhưng nhờ già làng, trưởng bản nói thì bà con lại nghe. Mình phải hiểu được điều đó để có biện pháp vận dụng hiệu quả”, ông Ích cho hay. Không những thế, cán bộ trợ giúp pháp lý phải tận tâm, hỗ trợ bà con theo hình thức cầm tay chỉ việc thì bà con mới có thể hiểu và làm theo. 
Nhờ sự nỗ lực của lực lượng hỗ trợ pháp lý nhà nước, nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện miền núi Bác Ái đã được đáp ứng kịp thời, góp phần giải tỏa những vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân khi có tranh chấp. Bên cạnh đó, các hoạt động trợ giúp pháp lý cũng góp phần tích cực trong việc đưa pháp luật về cơ sở, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. “Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, bà con đã nhận thức được cái gì đúng, cái gì sai để tự điều chỉnh hành vi của mình. Nhờ đó, chúng tôi đã kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt tình trạng tranh chấp trong nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương”, ông Ích chia sẻ./. 

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất