Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 31/7/2011 14:17'(GMT+7)

Tạo động lực cho sáng tác

 

Sau đổi mới, sáng tác văn nghệ nước ta đã trải qua bước chuyển đổi quan trọng. Văn học cùng các bộ môn nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa, mỹ thuật, văn hóa dân gian, với những mức độ khác nhau, đều cộng hưởng phát triển cả hai chiều sâu và rộng. Đề tài và thể loại tác phẩm được mở rộng, đào sâu hơn. Số lượng tác phẩm tăng nhanh đáng kể, trong đó xuất hiện những tác phẩm đào sâu số phận - thân phận con người, và qua con người, rọi ánh sáng vào bối cảnh xã hội; đặt ra những vấn đề hữu ích về nhân sinh cũng như về nhận thức của cá thể lẫn cộng đồng đối với cuộc sống đương thời.

Tuy nhiên, ở một phương diện khác, giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật của khá nhiều tác phẩm không theo kịp số lượng và còn xa mới đáp ứng nhu cầu của công chúng. Không ít tác phẩm hứng thú khai thác các chủ đề kém giá trị nhân sinh lẫn nhân văn; lượm lặt những chi tiết vụn vặt, xa rời hiện thực. Tư duy sáng tác tỏ ra tụt hậu trước biến động của cuộc sống. Nghệ thuật thể hiện rơi vào giản đơn, một chiều, thiếu men ngẫu hứng cho nghệ thuật bay thoát, dẫn đến nệ thực hoặc giả tạo. Đó là những biểu hiện xa rời đời sống thực tiễn, thiếu am tường con người cũng như thời cuộc, đồng thời thiếu cách tân, đột phá về thủ pháp, bút pháp. Mối quan hệ hữu cơ giữa nội dung với hình thức tác phẩm chưa được chú trọng xử lý đúng mức. Thậm chí cũng đã xuất hiện những sản phẩm văn nghệ lạc hậu về nhận thức lịch sử và xã hội, gây tác động tiêu cực.

Người ta có thể dễ dàng nhận rõ phần yếu kém nghiêm trọng của hoạt động lý luận phê bình văn nghệ ở nước ta thời gian qua. Trước hết, đó là sự vắng bóng của hệ thống lý luận chủ đạo có khả năng tạo ra nguồn hợp lưu cho các dòng lý luận chuyên ngành. Đó còn là hiện tượng mất chủ động, thiếu năng nổ trong việc “cầm chịch” các vấn đề lý luận nảy sinh trong thực tiễn hoạt động văn nghệ cũng như trong quá trình sáng tác - chế tác của các chuyên ngành nghệ thuật.

Phê bình không bám sát, chưa “nắm thắt lưng” thực tiễn sáng tác, thiếu tác dụng soi sáng các khuynh hướng mới, kém coi trọng và có trường hợp làm sai lệch tác dụng phê bình khi thực hiện phê bình vùi dập, phê bình vuốt đuôi, phê bình quảng cáo...

Trong lúc đó, số lượng tác phẩm - đối tượng phê bình lại thưa mỏng, không tạo môi trường đầy đủ cho phê bình nảy nở. Mặt khác, đội ngũ lý luận phê bình nói chung vừa thiếu vừa yếu, ít ai sống được bằng nghề; lớp cựu trào đã lớn tuổi, lớp trẻ phần lớn chưa đủ hăng hái, lại có người nể nang, ngại đụng chạm.

Khắc phục các yếu kém kể trên, việc đầu tiên cần đặc biệt quan tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, củng cố đội ngũ lý luận phê bình văn nghệ một cách căn cơ, thiết thực. Cần kịp thời có biện pháp thích hợp nâng cao và cập nhật hóa nhận thức, quan niệm chung cũng như cụ thể về chức năng, vai trò, đối tượng lý luận phê bình.

Phương pháp phê bình văn nghệ cần xây dựng thái độ, động cơ khoa học, khách quan, trách nhiệm. Lại cần xây dựng hệ thống chuẩn lý luận phê bình trong thời kỳ mới, tạo ra hệ giá trị tối ưu, phù hợp đối với các loại tác phẩm. Để khuyến khích và khẳng định chất lượng hoạt động cần đặt ra các giải thưởng định kỳ xứng đáng.

Bên cạnh thái độ coi trọng công tác lý luận phê bình cần quy định mới chế độ nhuận bút hợp lý. Đồng thời với việc tăng cường hoạt động thực chất của các tổ chức lý luận phê bình hiện có ở trung ương cũng như địa phương - trong đó có tổ chức lý luận phê bình của các hội nghệ thuật chuyên ngành, là việc khai thông “đầu ra” cho các tác phẩm lý luận phê bình: mở trang dành riêng trên các mặt báo và trên mạng, ấn hành tạp chí chuyên về lý luận phê bình, tổ chức các cuộc giao lưu, bình luận văn nghệ định kỳ trên diễn văn các đài truyền hình và phát thanh…

Chăm sóc “kiềng ba chân” của hoạt động văn nghệ, trong đó có lý luận phê bình, là nhiệm vụ không thể lơ là của bản thân những người làm văn nghệ - trước hết là giới lý luận phê bình, đồng thời cũng là trách nhiệm quan trọng của các cấp quản lý văn nghệ./.

SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất