Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 31/7/2011 18:4'(GMT+7)

Bất an với những tác phẩm “mỳ ăn liền”

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn

  Nhà văn Đoàn Minh Tuấn sinh năm 1932 tại Quảng Ngãi, tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1961, hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông công tác tại nhiều cơ quan như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thông tin (phía Nam), Phó TBT báo Văn hóa, Tạp chí Toàn cảnh (Bộ Văn hóa - Thông tin)…

- Thưa ông, trong buổi tọa đàm “80 năm tuổi đời, 60 năm cầm bút”, nhà thơ Trương Nam Hương có làm một ký họa chân dung ông bằng thơ: “Mời rượu Bác Nguyễn Tuân/Mời núi sông vào chữ/Viết báo giàu chất văn/Viết văn giàu chất sử/Nửa thế kỷ cầm bút/Không ngừng ngơi phút nào/Văn ông cùng đất nước/Qua dặm dài gian lao/Với ông, đừng hỏi tuổi/Thời gian quay ngược mà/Ông đùa năm mình viết/Ấy năm mình… sinh ra!”. Ông nhận xét bức “ký họa” này như thế nào?

- Nhà thơ Trương Nam Hương thông minh, tài hoa và đã “vẽ” rất chính xác, nhưng chưa đủ. Thật ra tôi còn một mảng viết rất tâm đắc là những kịch bản văn học về điện ảnh, trong đó có nhiều kịch bản phim tài liệu, phim truyện, đặc biệt là phim búp bê cho thiếu nhi.

- Dường như ông có biệt tài làm bạn với nhiều lớp nhà văn, nhà thơ, từ tiền chiến như Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… đến lớp nhà văn chống Pháp, chống Mỹ như Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ và các nhà văn lứa sau như Trương Nam Hương…

- Có lẽ không có gì cao siêu hay “bí kíp”. Mà tất cả là sự trân trọng, chân thành, chân tình. Đến với nhau, ngồi bên nhau là tâm hướng về nhau, là tri âm, tri kỷ…, không khoảng cách tuổi tác.

- Những trải nghiệm qua nhiều vị trí công tác trong lĩnh vực truyền thông, hẳn giúp ích nhiều cho trang viết của ông?

- Thời gian làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách chuyên mục “Tổ quốc ta tươi đẹp” tôi được đi nhiều, ngắm nhìn nhiều…Và thế là ngoài những bài trên sóng phát thanh tôi đã có 3 tập “Núi sông hùng vĩ”. Hay cũng từ vị trí công tác tôi đã được gặp Bác Hồ, rồi từ đó tìm đến những câu chuyện kỷ niệm về Bác với nhiều nhân vật, để có những tập sách sau này như “Từ ngày có Bác”, “Bác Hồ, cây đại thọ”…

- 60 năm cầm bút, nhưng hình như ông chỉ “nặng tình” với các thể loại viết ngắn như ký, bút ký, truyện ngắn, tản mạn…?

- Có lẽ tôi trưởng thành trong nghề viết của mình là từ hai cuộc kháng chiến, vì tính chất thời sự, và thời chiến nên không thể viết dài. Khi làm việc ở Đài Tiếng nói, Đài truyền hình VN, vì tính chất thời lượng phát sóng cũng không thể viết “lê thê”… Rồi thành thói quen, sở trường. Theo tôi, viết ngắn mà sâu sắc cũng không phải không có “trọng lượng” như các thể loại “dài hơi” khác.

- Ông có tính thử sức với những tác phẩm “dài hơi”?

- Có chứ, nghề viết đôi khi cũng cần làm mới chính bản thân. Nhưng tôi không còn trẻ tuổi đời, có thể ngồi nhìn lại chặng đường đã qua của mình. Tôi đang lên dự án “tiểu thuyết” hóa cuộc đời tôi, sẽ là một bộ gồm 3 tập, số trang cũng còn tùy, có thể là 800 trang (80 tuổi đời).

- Với con mắt của 60 năm tuổi nghề, ông nhận xét văn chương Việt hiện tại?

- Văn chương Việt vẫn đang chảy theo dòng chảy bất tận không bao giờ cạn kiệt. Vẫn có rất nhiều trang viết đồng hành cùng dân tộc, nhân dân với nhiều giá trị về cả nội dung và nghệ thuật. Nhưng thật sự tôi cảm thấy hơi bất an với tình trạng nhiều tác phẩm “mỳ ăn liền”, mang tính câu khách bằng những trang viết nặng về mô tả sống sượng hiện thực cuộc sống, ít tính mỹ học của nghệ thuật văn chương. Chưa kể có nhiều tác phẩm của nhiều tác giả có vị trí trên văn đàn Việt Nam nhưng trang viết thiếu chất nhân văn, nhiều ác ý, đọc xong cứ cảm giác cuộc đời u ám quá, tàn nhẫn quá.

- Vậy còn quan niệm của ông về nghề văn?

- Ngoài những cái gọi là “tiêu chuẩn” như khả năng viết lách, kiến thức…, tôi thiết nghĩ, đã xác định cầm bút theo đuổi nghiệp văn chương thì trước tiên phải hiểu “Văn dĩ tải đạo”, là mang tính Chân - Thiện - Mỹ tới cuộc sống. Là nhà văn thì phải có trách nhiệm cá nhân trên trang viết của mình: Văn là người. Không vì bất kỳ điều gì làm cho “méo mó” trang viết. Còn nếu như viết để thỏa mãn cái tôi của mình, để trút bỏ những ẩn ức cá nhân của mình, thì không nên theo đuổi sự nghiệp văn chương, không nên lạm dụng hai chữ “nhà văn”.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã xuất bản hơn 20 đầu sách: "Thầy giáo vùng cao", "Em đội viên mắt sáng" (truyện); "Núi sông hùng vĩ" (ký 3 tập: Đất Tổ ngàn năm; Phương Nam thành đồng; Từ ngày có Bác) ; Bác Hồ cây đại thọ (truyện, ký, tái bản 11 lần, đoạt Giải thưởng của UB toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam). Ông còn là tác giả của nhiều kịch bản phim tài liệu và nghệ thuật rối được quay ở Tiệp Khắc, Campuchia, nhiều ký được in ở Liên Xô, Trung Quốc, phát trên đài truyền hình, phát thanh Đông Âu.


Phương Nam - HNM 



 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất