(TG)-Trong thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các sở ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường mở rộng tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế và cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, tình trạng buôn bán ma tuý, vượt biên trái phép, tuyên truyền đạo trái pháp luật và di cư tự do diễn ra hết sức phức tạp... Tỉnh gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 130 xã, phường và thị trấn (trong đó có 4 huyện và 29 xã biên giới), 1.781 thôn, bản, tổ dân phố. Dân số hơn 53 vạn người, trong đó vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới khoảng 85%. Tỉnh có 19 dân tộc, gồm: Dân tộc Thái (38,1%), dân tộc Mông (34,9%), dân tộc Kinh (18,5%), dân tộc Khơ Mú (3,9%), còn lại là các dân tộc khác. Tỉnh có 400,681 km đường biên giới Quốc gia, trong đó tiếp giáp với Lào 360 km, Trung Quốc 40,681 km; có 01 cửa khẩu quốc tế Tây trang, 01 cửa khẩu phụ giáp Lào và 01 lối mở A Pa Chải - Long Phú với Trung Quốc.
Vượt lên những khó khăn đó, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng và tăng cường, trong đó tập trung chỉ đạo, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Đoàn thể chính trị xã hội và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, về vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác Thông tin đối ngoại của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 10/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”; Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020”. Năm 2015, công tác Thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh còn được gắn với tuyên truyền kết quả tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhất là các thành tựu 5 năm phát triển kinh tế - xã hội và các kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết qua một nhiệm kỳ.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương và của Ban thường vụ tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngại của tỉnh đã cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương, trong đó đặc biệt coi trọng đến công tác hoạt động đối ngoại Nhân dân. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo tuyên truyền đối ngoại và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn từng bước hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, phối hợp giữa các ban, sở, ngành và với các địa phương về công tác thông tin đối ngoại. Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chú trong công tác tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức về tuyên truyền đối ngoại cho các đối tượng là các cán bộ quản lý, phóng viên báo chí, người phát ngôn...
Hằng tháng, Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại của tỉnh, trực tiếp do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo làm Trưởng ban, đã phát hành định kỳ các tại liệu phục vụ cho công tác thông tin đối ngoại của tỉnh như: Thông tin tổng hợp 03 số/tháng, bản tin An ninh tư tưởng – văn hóa 01 số/tháng; sổ tay Sinh hoạt chi bộ (01 số/3000 cuốn/tháng) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với những nội dung phản ánh tư tưởng, tâm trạng xã hội, tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh trong nước, quốc tế đã góp phần cung cấp thông tin, thể hiện quan điểm đúng đắn trên từng lĩnh vực cụ thể thuộc công tác tuyên giáo. Thực hiện, hướng dẫn 107-HD/BTGTU, ngày 27/02/2015 về “Công tác thông tin đối ngoại năm 2015” của Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, các cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí và các trang Web, đặc biệt là thông tin đối ngoại bằng tiếng dân tộc (Mông, Thái) trên sóng phát thanh và trên truyền hình của tỉnh cũng được chú trọng trong thời gian qua. Từ đó, đã góp phần sớm định hướng dư luận xã hội tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Ngoài ra, công tác đối ngoại Nhân dân cũng được chú trọng tăng cường, nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, BCH Quân sự tỉnh và Nhân dân khu vực biên giới với nội dung chủ yếu tập trung vào các hoạt động giao lưu văn hoá, Hiệp định hiệp nghị hai bên đã ký kết, Quy chế khu vực biên giới đất liền, Luật biên giới Quốc gia, Hiệp định về của khẩu, việc tăng dày tôn tạo hệ thống cột mốc biên giới, tình hữu nghị Việt – Lào, bảo vệ biên giới sau phân giới cắm mốc, tình đoàn kết hữu Việt – Trung ... Riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, đã tuyên truyền cho 1.409 lượt người; khám chữa bệnh cho 3.853 lượt người dân nước bạn Lào, hỗ trợ tiền thuốc trị giá 592 triệu đồng, tặng quà hỗ trợ tiền, vật chất cho Nhân dân nước láng giềng 368 triệu đồng, ngoài ra còn hỗ trợ xây dựng nhà làm việc và nhà ở cho Trung đội Nậm Khăn thuộc BCH Quân sự tỉnh PhongSaLy (Lào) trị giá 600 triệu đồng. Tổ chức kết nghĩa gần 10 cuộc giữa các đồn Biên phòng với đồn Biên phòng, kết nghĩa giữa xã với xã và bản với bản, các lực lượng vũ trang khu vực biên giới giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam – Trung Quốc cũng được chú trọng triển khai thực hiện. Qua đó, công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới cũng rất thuận lợi và có hiệu quả, có tác động tích cực đến bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và phòng chống tội phạm giữa các nước.
Ngoài ra, Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình đã cập nhật, bám sát các sự kiện quốc tế, trong nước và của tỉnh, để tuyên truyền như: Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm năm chẵn, năm tròn về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, tổ chức sự kiện lớn của khu vực và quốc tế tại Việt Nam; về các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ra nước ngoài cũng như các chuyến thăm của các nguyên thủ nước ngoài đến Việt Nam. Các nội dung, phương thức tuyên truyền đối ngoại được thực hiện bảo đảm tính chất đối ngoại. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại của tỉnh còn tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí, văn hóa, văn học nghệ thuật, Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch... của tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh của đất nước, của tỉnh đến với các nước trong khu vực và bạn bè Quốc tế, nhất là các tỉnh của nước bạn mà Điện Biên có đường biên giới tiếp giáp như: PhongSaLy, LuôngPraBăng và UĐomXay nước CHDCND Lào, huyện Giang Thành tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Các hoạt động quảng bá du lịch đã tạo được ấn tượng tốt cho mỗi du khách khi đến thăm quan, du lịch tại tỉnh Điện Biên.
Nhận xét về những hạn chế trong công tác Thông tin đối ngoại đồng chí Nguyễn Vân Chương, Trưởng Ban Tuyên giáo, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại của tỉnh, cho biết: Tuy đã có đổi mới, cải tiến, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại, song nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò công tác thông tin đối ngoại vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Việc phối hợp, cung cấp thông tin giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn có những bất cập. Nội dung thông tin phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại chưa phong phú, nhiều tin, bài thiếu sức thuyết phục. Công tác đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch còn có lúc bị động, sức thuyết phục chưa cao.
Trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại của tỉnh, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, nhất là Nhân dân các dân tộc khu vực biên giới, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại theo tinh thần Chỉ thị 26-CT/TW và Kết luận 16-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về công tác thông tin đối ngoại. Qua đó, để công tác thông tin đối ngoại góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Điện Biên ngày càng ổn định và giàu đẹp./.
Khánh Toàn - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên