Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ
Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt
Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi viết “Tìm
hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Thực hiện Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính
phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Tư pháp được giao chủ
trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền
thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói
Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và
các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Tối 9/11, lễ tổng kết trao giải Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sẽ được tổ chức tại Hà Nội.
Cả nước có gần 4,9 triệu bài dự thi
Sau khi kết thúc thời hạn tiếp nhận bài dự thi theo thể lệ (ngày
30/4/2015), cả nước đã có 4.855.057 bài dự thi được gửi về các ban tổ
chức cuộc thi. Nhiều ban tổ chức cuộc thi đã nhận được số lượng bài dự
thi rất lớn như: Bộ Công an (260.037 bài); Bộ Quốc phòng (245.500 bài);
Hà Nội (390.984 bài); Hà Tĩnh (242.716 bài); Hải Dương (307.532 bài);
Thanh Hóa (256.000 bài); Vĩnh Phúc (225.000 bài)...
Đặc biệt, đã có 378 bài dự thi của kiều bào Việt Nam ở 30 nước và vùng
lãnh thổ gửi về các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước
ngoài để tổng hợp gửi về Bộ Ngoại giao và gửi tới Bộ Tư pháp tổ chức
chấm vòng sơ khảo.
Qua đánh giá của các ban tổ chức cuộc thi, ban giám khảo và của nhiều
thí sinh trong các bài dự thi cho thấy câu hỏi của cuộc thi tuy nhiều
nhưng rất hay, toàn diện, sâu sắc, nội dung phong phú, xuyên suốt Hiến
pháp năm 2013. Nội dung các câu hỏi không chỉ gắn với lịch sử lập hiến
Việt Nam mà còn liên quan đến quyền con người, quyền công dân; nguyên
tắc, nội dung, hình thức thực hiện quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế
phân công, phối hợp và kiểm soát, chủ quyền nhân dân; mối quan hệ giữa
công dân với nhà nước và các đại biểu dân cử. Đặc biệt là các vấn đề về
đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân chia giai cấp, tầng lớp, thành
phần, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, giới tính, độ tuổi, người Việt
Nam ở trong nước hay ở nước ngoài.
Kết quả chấm thi cho thấy đây là cuộc thi thực sự có chất lượng, thiết
thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức chạy theo số lượng, phong
trào. Đa số các bài dự thi đều trả lời đủ 9 câu hỏi, trong đó nhiều bài
trả lời đúng đáp án, được điểm số rất cao, cả về nội dung và hình thức,
thể hiện ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc của
người dự thi.
Thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc vào Hiến pháp năm 2013
Theo báo cáo của Ban tổ chức cuộc thi, số bài thi vi phạm thể lệ ít, số
bài trả lời đúng trên 70%. Nhiều bài dự thi có chất lượng rất tốt, nguồn
tư liệu phong phú, dồi dào, đáng tin cậy cả về nội dung thông tin, hình
ảnh, tri thức hiểu biết về Hiến pháp và lịch sử lập hiến của nhân loại
cũng như của Việt Nam.
Nhiều bài dự thi rất giàu cảm xúc, thể hiện thái độ, tình cảm tôn trọng,
chấp hành và tin tưởng vào Hiến pháp và pháp luật của người dự thi.
Nhiều bài dự thi cho thấy tác giả là người nắm vững và có tri thức hiểu
biết sâu sắc về Hiến pháp, về nhân quyền, về các thiết chế tổ chức quyền
lực nhà nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như lịch sử lập hiến.
Qua các bài dự thi, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào cả nước đều thể hiện
niềm tin tưởng sâu sắc, tuyệt đối vào Hiến pháp năm 2013, vào sự trường
tồn và sức sống mãnh liệt của dân tộc, nhất là con đường xây dựng chủ
nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa
chọn, gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng
Nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế.
Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013. (Ảnh: TTXVN)
Vị trí, vai trò của Nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà
nước; các giá trị cao quý của quyền con người, quyền công dân nhất là
những điểm mới được khẳng định trong nhiều bài dự thi như quyền sống;
quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền hiến mô, bộ phận cơ
thể người và hiến xác; quyền suy đoán vô tội, quyền bào chữa, quyền của
người khuyết tật, trẻ em, quyền của các dân tộc thiểu số, bảo đảm bình
đẳng giới...
Đặc biệt, nhiều bài dự thi khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà
nước và xã hội là một tất yếu khách quan; khẳng định vị trí, vai trò của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; của
lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cơ
chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong
việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; các nguyên tắc
của một nền tư pháp vì công lý, vì các quyền con người, quyền công
dân...
Phần trả lời câu hỏi về sự tâm đắc nhất và phần tự luận của người dự thi
cũng rất phong phú, đa dạng, cả những vấn đề rất cũ, cả những vấn đề
mang tính thời sự như chủ quyền nhân dân; đại đoàn kết toàn dân tộc;
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đối với nhà nước và xã hội; quyền con
người, quyền công dân, nhất là quyền được sống trong môi trường trong
lành, bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững; quyền của người
khuyết tật, của trẻ em, người già, bình đẳng giới; vị trí, vai trò của
lực lượng vũ trang nhân dân; các nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước;
nguyên tắc tranh tụng, suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự vốn là
những vấn đề đang thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội...
Nhiều bài dự thi để lại ấn tượng đặc biệt
Qua công tác tổ chức cuộc thi, chấm bài thi, nhiều bài dự thi đã để lại
ấn tượng đặc biệt sâu sắc về sự nhiệt tình, trách nhiệm của người dự
thi, thể hiện niềm tự hào, tin tưởng vào nội dung, tinh thần của Hiến
pháp, về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về Nhà nước pháp quyền XHCN
mà chúng ta đang xây dựng.
Ban tổ chức cho biết các bài dự thi rất đáng biểu dương như: Bài dự thi
của thí sinh Nguyễn Thị Đắc Hương, Bộ Quốc phòng được trao giải đặc
biệt. Bài dự thi của Vương Chí Hiếu, thành phố Hà Nội; Trần Thị Lân, Sở
Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh, Trần Thị Thu Hòa, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố
Hội An, tỉnh Quảng Nam; Nguyễn Cảnh Thông, Học viện An ninh nhân dân, Bộ
Công an được trao giải nhất và 10 bài dự thi được trao giải nhì của các
thí sinh: Hà Thị Thanh Huyền (Đại học Kỹ thuật hậu cần, Bộ Công an); Lê
Thị Chinh (Công đoàn trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Như
Thanh, Thanh Hóa); Nguyễn Văn Khánh (Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc
phòng); Lê Thị Hà (Công an tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công an); Vũ Thị Bình
(Trường Sỹ quan Lục quân 2, Bộ Quốc phòng); Châu Hồng Tâm (Trung tâm Văn
hóa, Thông tin, thể thao Quy Nhơn, Bình Định); Dương Thị Huệ (Trường
Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, Pleiku, Gia Lai); Huỳnh Thị Bích Như (Phòng
Giáo dục và Đào tạo thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương); Đồng Thị Hạc
(Phòng Tư pháp huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn); Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Sở
Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng).
Ngoài ra, phải kể đến các bài dự thi để lại nhiều ấn tượng về tính độc
đáo, sáng tạo, công phu như: Bài dự thi của thí sinh Nguyễn Thị Giang là
người dự thi ít tuổi nhất và bài của thí sinh Nguyễn Mạnh là người dự
thi nhiều tuổi nhất hoặc các bài dự thi được trình bày độc đáo, sáng tạo
có mô hình minh họa của thí sinh: Nguyễn Cảnh Thông (Học viện An ninh
nhân dân, Bộ Công an); Nguyễn Công Giang (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng,
Bộ Quốc phòng) hoặc chuyển thể toàn bộ Hiến pháp năm 2013 gắn với trả
lời 9 câu hỏi thành bài thơ song thất lục bát theo thể diễn ca với số
lượng 252 khổ thơ (Bài dự thi của ông Nguyễn Huy Ích, 80 tuổi, Hà
Nội)...
Kết quả đó không chỉ thể hiện ý thức tự giác tìm hiểu Hiến pháp với một
tinh thần vô tư, ý thức trách nhiệm công dân cao mà còn là tình cả, mong
muốn, hy vọng của người dự thi về các giá trị cao đẹp, công bằng của
Hiến pháp và pháp luật.
Mỗi bài thi đều toát lên tình cảm sâu sắc, niềm say mê, tìm tòi, sáng
tạo; thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân trước xã hội, trước đời
sống chính trị, pháp lý của đất nước, trước yêu cầu thực thi Hiến pháp
và pháp luật, qua đó cũng cho thấy, ý thức tìm hiểu, chấp hành Hiến
pháp, pháp luật và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trước những
sự kiện của đất nước đã có những chuyển biến rõ rệt.
Căn cứ vào thể lệ cuộc thi và kết quả chấm thi, sau khi xem xét, cân
nhắc quy mô tầm quan trọng, ý nghĩa của cuộc thi, căn cứ vào số lượng,
chất lượng bài dự thi, Ban tổ chức Cuộc thi Trung ương đã quyết định
công nhận kết quả chấm bài dự thi vòng chung khảo; quyết định tặng Giấy
chứng nhận và trao 193 giải thưởng, với tổng kinh phí là 1 tỷ 10 triệu
đồng cho 18 tập thể và 175 cá nhân có thành tích trong tổ chức, tham gia
dự thi hoặc có bài dự thi đạt giải. Trong số 18 giải tập thể có 5 giải
A; 5 giải B và 8 giải C (tăng 3 giải C so với thể lệ). Trong số 175 giải
cá nhân có 1 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba, 130
giải khuyến khích và 10 giải phụ (tăng 3 giải nhất so với Thể lệ).
Có thể nói, cuộc thi đã huy động, tập hợp lực lượng đông đảo cán bộ,
nhân dân tham gia, nhất là trong tổ chức, tuyên truyền, vận động nhân
dân thực hiện Hiến pháp, pháp luật, tạo phong trào sôi nổi, tạo khí thế
động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tìm hiểu, chấp hành Hiến pháp,
đưa Hiến pháp vào cuộc sống./.
Quỳnh Hoa (TTXVN)