PV: Thưa ông, một điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này là quy định Tổng biên tập chỉ chịu trách nhiệm về mặt nội dung, còn các chức danh như tổng giám đốc hoặc giám đốc mới chịu trách nhiệm về đơn vị chủ quản. Quy định như vậy đã hợp lý chưa, thưa đại biểu?
Đại biểu Hà Minh Huệ: Về nội dung này cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Hiện giờ, có những cơ quan báo chí (CQBC) hoạt động theo hình thức đa phương tiện, có nhiều loại hình như báo in, báo điện tử, báo hình… Quy định người đứng đầu là giám đốc, hoặc tổng giám đốc, phụ trách chung về mặt tổ chức, thực hiện các hoạt động của báo chí. Ngoài ra có quy định, tổng biên tập và phó tổng biên tập chịu trách nhiệm nội dung thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mặt nội dung thông tin. Quy định này phân chia trách nhiệm. Hiện nay, tổng biên tập không phải là người đứng đầu nữa. Đó là ý kiến được nhiều người đồng tình.
Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình, vì CQBC nhỏ có cả giám đốc và tổng biên tập thì tổ chức sẽ cồng kềnh chăng. Theo tôi, quy định này nên áp dụng với CQBC lớn là phù hợp. Thí dụ, các CQBC như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… có nhiều loại hình báo chí cùng một lúc như báo in, báo nói, báo điện tử. Người lãnh đạo CQBC đó phải là Tổng giám đốc, còn các tổng biên tập phụ trách từng lĩnh vực như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử… Sự phân biệt như vậy sẽ rõ ràng hơn. Dự thảo Luật cũng nói rõ, một giám đốc cũng có thể kiêm tổng biên tập. Nhưng thực tế, trong các CQBC hiện nay của chúng ta, có cơ quan rất nhỏ, chỉ gồm khoảng 10-20 phóng viên, giờ cử thêm một giám đốc và một tổng biên tập nữa thì cũng có điểm bất cập.
PV: Có nghĩa rằng, ở đây đề cập đến sự phân cấp, thưa ông?
Đại biểu Hà Minh Huệ: Trong dự thảo Luật chưa nói rõ vấn đề này. Nhưng trong khi thảo luận, các đại biểu sẽ trao đổi thêm về chủ đề này. Các CQBC cũng phải đóng góp ý kiến thêm cho nội dung này.
Một số người cho rằng, quy định như vậy là tiến bộ, vì có thể quản lý báo chí dễ hơn. Nhưng cũng có người nói, nếu tổng biên tập không phải là người lãnh đạo CQBC, mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin, thì cũng hơi khó một chút. Bởi người đứng đầu chịu trách nhiệm, còn tổng biên tập chỉ là một phần trong hoạt động, chứ không phải là người chịu trách nhiệm. Đây cũng là điều phải suy nghĩ thêm.
Tôi chỉ muốn nói một điều: Trách nhiệm thông tin phải bắt đầu xuất phát từ phóng viên. Những người làm công tác phóng viên - biên tập viên phải chịu trách nhiệm nội dung thông tin của mình thì sẽ không xảy ra những điều đáng tiếc. Phóng viên hãy đừng nghĩ tới chuyện xảy ra vi phạm về nội dung để phải xử lý. Nếu ngay từ đầu, phóng viên thực hiện tốt quy định đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo thì không xảy ra những vi phạm đó. Chứ bây giờ, tôi nghĩ rằng, tổng biên tập không thể đọc hết những nội dung phóng viên chuyển cho. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, với thông tin điện tử trên mạng, có khi, anh em làm trực tiếp đưa lên internet luôn. Điều quan trọng là, cần giáo dục cho đội ngũ phóng viên - nhà báo chuẩn hơn nữa về mặt nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, chuẩn hơn nữa về trách nhiệm đối với xã hội . Nhiều lúc, phóng viên phát hiện thấy một thông tin nào đó, bất luận ra sao cứ đưa lên mạng, dù thông tin đó có hại cho xã hội. Hoặc đưa một tin về một em bé, một phụ nữ hoạt động mại dâm… ảnh hưởng tới cuộc đời sau này. Báo chí đưa thông tin về vấn đề gì có thể ảnh hưởng lâu dài đến xã hội, ảnh hưởng luôn cả một thế hệ trẻ, thì điều đó rất nguy hiểm. Vì vậy, xã hội rất quan tâm đến các nội dung của Luật Báo chí sửa đổi hiện nay.
PV: Thưa ông, trong Luật sửa đổi lần này, có quy định siết chặt như thế nào với những trường hợp báo mạng hoặc trang web đưa tin không chính thống, gây ảnh hưởng không tốt với dư luận xã hội?
Đại biểu Hà Minh Huệ: Những trang mạng xã hội không nằm trong sự điều chỉnh của Luật Báo chí sửa đổi, vì đó không phải CQBC. Nhưng có dư luận cho rằng, đã là Luật Báo chí, phải bảo đảm điều chỉnh luôn tất cả những hoạt động liên quan đến báo chí. Đấy là một điểm khó. Nước ta chưa công nhận các trang mạng xã hội là báo chí, cho nên Luật chưa áp dụng phạm vi điều chỉnh được.
PV: Thời gian qua, đã có nhiều nhà báo bị hành hung. Luật Báo chí sửa đổi có tạo được cơ chế bảo vệ an toàn hơn cho các nhà báo, đồng thời với việc nhà báo phải thận trọng hơn trong quá tình tác nghiệp của mình, để hạn chế những trường hợp đáng tiếc như trên?
Đại biểu Hà Minh Huệ: Tôi nghiên cứu dự thảo Luật và nhận thấy, những quy định về bảo vệ nguồn tin và bảo vệ sự hoạt động của nhà báo được giữ nguyên những điều khoản trước đây. Như vậy cũng tương đối đầy đủ cho hoạt động báo chí rồi. Điều cơ bản là, quá trình thực thi những điều khoản đó như thế nào. Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng hành hung nhà báo tại một số địa phương. Với tư cách là người từng tham gia công tác trong Hội Nhà báo Việt Nam, tôi thấy phải bảo vệ quyền lợi của nhà báo. Cùng với việc bảo vệ quyền lợi của nhà báo, chúng tôi cũng muốn đồng thời tuyên truyền, giáo dục làm sao cho hội viên của chúng ta phải thực hiện đúng đạo đức nghề nghiệp. Nếu hoạt động đúng đạo đức nghề nghiệp, chắc không có vấn đề gì lớn xảy ra. Tất nhiên trong xã hội có chuyện này, chuyện kia xảy ra nhưng nhỏ thôi. Nhà báo cần gương mẫu trong tất cả những chuyện đó, thì có thể tránh được những rủi ro khi tác nghiệp.
Xin cảm ơn ông.
Theo Nhân Dân
Thứ năm, 05/11/2015 - 09:29 AM (GMT+7)
|
|
|
NDĐT-
|
|