Thứ Hai, 16/9/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 31/3/2019 9:16'(GMT+7)

"Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng" vì một Việt Nam phát triển

Ông Nguyễn Đức Khương, chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Đức Khương, chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) đồng chủ trì tổ chức "Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng” (Vietnam Global Leaders Forum - VLGF) trong hai ngày 30 - 31/3 tại Paris, Pháp.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội AVSE đã chào đón sự tham gia của hơn 200 người Việt có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước đến từ 25 quốc gia, đại diện các bộ, ngành địa phương liên quan của Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam và Pháp.

Chủ tịch Hội AVSE nhấn mạnh với cộng đồng hơn 4 triệu người ở nước ngoài, trong đó nhiều người có trình độ học vấn cao và thành công trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những bước tiến nhảy vọt nếu tận dụng được tiềm năng to lớn từ nhân tài toàn cầu.

Chính vì vậy, khát vọng của những người tham gia vào Diễn đàn VLGF là xây dựng được một mạng lưới nhân tài người Việt trên khắp thế giới, cùng hành động vì một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng.

Theo ông Nguyễn Hoành Năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước, thông qua nhiều hoạt động từ tư vấn, kết nối đầu tư đến triển khai các dự án cụ thể trong nhiều lĩnh vực.

Diễn đàn VGLF lần đầu tiên được tổ chức tại Paris sẽ góp phần kết nối những người Việt xuất sắc trên thế giới, để cùng hướng trái tim và trí óc về Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Anh, phó giáo sư, Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), đánh giá cao sáng kiến thành lập mạng lưới nhân tài người Việt toàn cầu.

Các đại biểu đã tham dự các phiên thảo luận về nhiều chủ đề nóng trên nhiều lĩnh vực. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Trần Ngọc Anh, trong nền kinh tế hiện đại, quan trọng nhất là tri thức, không chỉ thông qua sách vở mà còn phải qua những trải nghiệm thực tế thu được trong nhiều năm.

Việt Nam có lợi thế vô cùng quan trọng là lực lượng các nhà khoa học kỹ thuật nhiều kinh nghiệm đang làm việc ở nước ngoài, sẵn sàng đóng góp công sức cho sự phát triển của đất nước.

Về phần mình, bà Céline Zapolsky, Phó Chủ tịch công ty Linagora và Giám đốc điều hành Linagora Vietnam, nhận xét người Việt ở khắp nơi trên thế giới có khả năng hòa nhập rất nhanh trong môi trường mới. Điều quan trọng là phải tập hợp những nhân tài vì một mục đích chung là xây dựng quê hương thịnh vượng.

Là người gốc Việt thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên tại Pháp, bà Zapolsky luôn mong muốn được góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.

Diễn đàn VGLF 2019 tập trung vào phác thảo chiến lược cho việc phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam, đánh thức tiềm năng của đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong nền kinh tế thị trường toàn cầu ngày nay, hình ảnh của một quốc gia có vai trò chiến lược trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài các động lực kinh tế như thu hút đầu tư và khách du lịch, thương hiệu quốc gia có thể mang lại những tác động tích cực khác như tăng cường quan hệ ngoại giao, thúc đẩy sự phát triển nền nghệ thuật, sâu hơn là củng cố văn hóa và giá trị quốc gia, mang lại lợi ích ổn định lâu dài cho sự phồn vinh của dân tộc.

Thương hiệu quốc gia được thể hiện qua các khía cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội, và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh này.

Trong hai ngày của Diễn đàn, các đại biểu tham dự các phiên thảo luận về nhiều chủ đề nóng trên nhiều lĩnh vực như xây dựng thương hiệu quốc gia, kinh tế, đổi mới số hóa và sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, du lịch thông minh, văn hóa và con người trong thời đại kinh tế tri thức./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất