Điện Biên - vùng đất lịch sử, anh hùng của đất nước sau 58 xây dựng đã từng bước phát triển, với kết cấu hạ tầng được mở mang, với những loại cây trồng mới giàu tiềm năng kinh tế.
Từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 12 ngược lên huyện Mường Nhé - đến các bản: Hồ Hài, Mốc 4, xã Chà Cang (nằm giáp biên giới nước bạn Lào) có thể thấy đời sống của người dân nơi đây đã đổi thay nhiều.
Đồng bào được ở trong những ngôi nhà "ba cứng" (nền, khung, mái), nhiều gia đình đã có xe gắn máy, ti-vi, tủ lạnh… những vật dụng mà cách đây chừng 10 năm vẫn là niềm mơ ước của họ…
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh cho biết, Điện Biên là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm để ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.
Đặc biệt, các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, Dự án tái định cư thủy điện Sơn La… được triển khai tích cực. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tỉnh cũng hỗ trợ làm nhà ở cho 13.066 hộ, đạt gần 98%. Đặc biệt, đến tháng 1/2011, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành di chuyển 100% hộ dân và cơ quan trong vùng ngập lòng hồ, với 4.472 hộ đến nơi ở mới... Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được mở mang, các bản làng vùng cao đã mang diện mạo mới.
Trước yêu cầu phát triển, chủ trương của Điện Biên là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, trồng cây công nghiệp, trồng rừng.
Năm 2011, tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh đã đạt 2.221 tỷ đồng, tăng 10,19%; thu nhập bình quân đạt 14,3 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 33,26%, giảm 2,22%; công nghiệp, xây dựng chiếm 29,52%, tăng 0,31%; dịch vụ chiếm 37,22%, tăng 1,91% (so với năm 2010); sản lượng lương thực đạt 226.000 tấn. Toàn tỉnh đã trồng mới 496ha cà phê, 405ha cao su, 66ha chè; tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,7%...
Đi dọc quốc lộ 6 từ Sơn La sang Điện Biên và vào các xã Ẳng Nưa, Ẳng Tở (huyện Mường Ảng), xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) giờ bạt ngàn những cà phê, cao su.
Cây cà phê được trồng hơn chục năm nay đã giúp cho hàng trăm gia đình có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Còn hàng trăm ha cây cao su của Công ty Cao su Điện Biên mới trồng sau 4 năm nhưng phát triển rất tốt. Như vậy, vấn đề của Điện Biên không còn là trồng cây gì, nuôi con gì nữa’ mà là với lợi thế đất đai rộng lớn cùng với việc tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ giống vốn, kỹ thuật… chắc chắn Điện Biên sẽ có những “cánh rừng” cà phê, cao su 100 triệu/ha trong tương lai.
Trong lĩnh vực văn hóa, nhằm bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử để phát triển du lịch ở miềm đất anh hùng, địa phương vừa đầu tư hàng tỷ đồng làm mái che cho những chiếc xe tăng, khẩu pháo… Chiến tranh càng lùi xa, các di tích lịch sử càng khẳng định giá trị to lớn trong giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng với các thế hệ hôm nay. Đồng thời cùng với thiên nhiên "sơn thủy hữu tình", bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc... di tích lịch sử là thế mạnh để địa phương phát triển du lịch, dịch vụ.
Đến năm 2014, Điện Biên sẽ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, (1954-2014) nhưng ngay từ bây giờ, các công việc đã được triển khai tích cực.
Kỷ niệm 58 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp nhân dân ta nhân lên niềm tự hào, qua đó tạo sức mạnh mới tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh./.
(Xuân Dân/Chinhphu.vn)