Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 7/5/2012 8:25'(GMT+7)

Hà Nội: Tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi làng gốm Bát Tràng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sáng 6/5, tại lễ tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm-Hà Nội) qua các thời kỳ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: giá trị, thương hiệu làng nghề gốm Bát Tràng có sự đóng góp rất lớn của những nghệ nhân, thợ giỏi với bàn tay vàng, khối óc sáng tạo, miệt mài lao động. “Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh màu sắc từ nắm đất quê hương”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Bát Tràng hiện có hơn 60 đơn vị kinh tế, trong đó có 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 công ty cổ phần, 52 công ty TNHH, 4 HTX và gần 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Xã Bát Tràng hiện có 18 nghệ nhân được phong tặng “nghệ nhân Hà Nội”, 3 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng, 5 nghệ nhân dân gian cùng hàng trăm thợ giỏi. Hiện Bát Tràng có 13 tiêu chí đạt và cơ bản đạt chuẩn về nông thôn mới. Năm 2014, Bát Tràng phấn đấu trở thành xã nông thôn mới có kinh tế phát triển với tốc độ cao và bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, đi đôi với bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

Tại lễ tôn vinh, Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn các nghệ nhân, người thợ bằng tài năng, tâm huyết của mình tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phong phú, đặc sắc. Thương hiệu của làng nghề Bát Tràng được thể hiện ở từng sản phẩm, dù bình dân hay cao cấp đều mang nét riêng, giá trị riêng của làng gốm Bát Tràng. Đồng thời, với việc khẳng định chất lượng sản phẩm, Bát Tràng cũng cần phải tiến hành quảng bá, xúc tiến thương mại, gắn kết du lịch để nâng cao hiệu quả kinh tế của làng nghề. Bên cạnh việc duy trì các sản phẩm truyền thống đặc trưng, cần có những sản phẩm mang hình ảnh gắn liền với địa điểm du lịch, mở rộng thêm các loại hình dịch vụ để phục vụ khách thăm quan, du lịch. Để thực hiện việc này, Hội gốm sứ Bát Tràng phải là “cầu nối”, là nơi tập hợp những nguyện vọng chính đáng, phản ánh với các cấp có thẩm quyền; tạo sự đồng thuận và môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp. Mở rộng giao lưu giữa các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác; tăng cường liên doanh, liên kết, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả các công cụ trợ giúp doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi; nâng cao năng lực quản lý và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng giao UBND huyện Gia Lâm chủ trì phối hợp với các sở, ngành, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển làng nghề gốm Bát Tràng, nhất là quy hoạch hệ thống giao thông, nâng cấp và cải tạo hệ thống đường giao thông; quy hoạch bãi đổ chất thải rắn của làng gốm; phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan, ấn tượng cho du khách khi đến thăm quan, du lịch. Từ quy hoạch mới có thể tiến hành đầu tư, quản lý và khai thác hiệu quả.

Chủ tịch cũng đã đến thăm cơ sở sản xuất của nghệ nhân gốm Trần Văn Độ, người được mệnh danh là “vua men gốm” làng Bát Tràng. Ông Độ là người có công phục chế viên gạch sưởi ấm mà Bác Hồ đã dùng tại nhà số 9 ngõ Compoint-Paris năm 1921-1923...

Nhân dịp này, Câu lạc bộ nghệ nhân-thợ giỏi làng gốm Bát Tràng đã tổ chức lễ ra mắt với mục đích phát triển và bảo tồn nghề gốm; động viên các nghệ nhân, thợ giỏi tạo ra những tác phẩm như một lời tri ân với tổ tiên và làm ra những sản phẩm tốt nhất để phục vụ xã hội. Đây cũng là một sân chơi để trao đổi, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực nghề nghiệp./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất