Đến thời điểm này, có gần 7 tỷ đồng đã được Nhà nước chi để đầu tư mua sắm các trang thiết bị văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển đời sống tinh thần của người dân 28 xã thuộc 5 huyện ngoại thành TPHCM trong “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” năm 2012.
Nâng cao hoạt động văn hóa vùng ngoại thành
Sở VH-TT-DL TPHCM vừa trực tiếp bàn giao trang thiết bị văn hóa, thể thao cho 5 huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi. Hoạt động này rất thiết thực và hữu ích, góp phần hỗ trợ công tác xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, mục tiêu nhắm vào các dự án: cấp sách cho hệ thống thư viện, bồi dưỡng năng lực cán bộ văn hóa cơ sở, cấp trang thiết bị (âm thanh, nhạc cụ), hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà văn hóa các xã - ấp, trang bị các trạm thông tin, phòng đọc sách, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao…
Đặc biệt, năm nay hai huyện Củ Chi và Cần Giờ được chú trọng tăng cường đầu tư, hỗ trợ tương đối hoàn chỉnh về thiết chế. Đây là 2 huyện nghèo và đông dân nhất trong số 5 huyện ngoại thành của TPHCM, có vị trí địa lý nằm cách xa khu trung tâm thành phố, còn nhiều thiếu thốn và khó khăn, trống vắng những điều kiện cơ bản về thiết chế văn hóa - thể thao đơn thuần để hoạt động và thúc đẩy sự phát triển. Thế nên, sự đầu tư kịp thời sẽ tạo điều kiện để nâng cao dần tư duy, lối sống, hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Diện mạo và sức sống mới
Riêng với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được đơn vị quản lý văn hóa thành phố chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi giao lưu, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, thể thao, tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ… đáp ứng kịp thời nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của bà con các ấp - xã - huyện.
Sắp tới, vào ngày 22-12, Sở VH-TT-DL sẽ tổ chức Liên hoan văn hóa - thể thao các xã xây dựng nông thôn mới của TPHCM tại Trung tâm Văn hóa huyện Cần Giờ. Đây sẽ là chương trình giao lưu, biểu diễn, thi đấu giao hữu vui tươi, bổ ích và thú vị giữa 28 xã, đồng thời là cơ hội thể hiện hiệu quả hoạt động của 5 huyện sau khi tiếp nhận và phát huy việc sử dụng các trang thiết bị văn hóa - thể thao mà sở đã bàn giao. Từ sự kiện này, thành phố gây ấn tượng và tạo khí thế để một số quận nội thành có điều kiện kết hợp với nguồn lực xã hội hóa giúp đỡ, chăm lo thêm về văn hóa cho các xã nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của bà con.
Rút dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa tinh thần giữa người dân nội - ngoại thành vốn dĩ là niềm mong mỏi của nhiều người, nhiều cấp ngành văn hóa. Nay, mục tiêu này ngày càng được quan tâm và đầu tư nhiều hơn, đã góp phần thiết thực mang lại lợi ích xã hội, khích lệ sự phát triển, tạo nên diện mạo và sức sống tươi mới trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân các huyện ngoại thành, đồng thời khẳng định chủ trương xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình xây dựng nông thôn mới của TPHCM là đúng đắn và cần thiết.
Thúy Bình-SGGP