Thứ Ba, 26/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 12/12/2011 18:43'(GMT+7)

Điện tử hóa văn bản giúp nâng cao hiệu quả quản lý điều hành

Mục tiêu chung của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước ta là hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng để phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Nền hành chính đó yêu cầu tất cả các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân phải được xoá bỏ. Tuy nhiên thực hiện được yêu cầu đó, các thủ tục hành chính phải được từng bước hoàn thiện. Và một trong các yêu cầu nêu trên là phải đảm bảo được tính kịp thời, thông suốt, chính xác, đầy đủ và hệ thống hóa các văn bản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước.

Thiết nghĩ, để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, càng cần thiết phải giải quyết những “điểm nghẽn”, rút ngắn thời gian trao đổi và xử lý thông tin văn bản giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả công việc, đảm bảo tính công khai hoá hoạt động của cơ quan công quyền cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thông tin.

Yêu cầu trên cho thấy không thể không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm việc với văn bản tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trừ văn bản có nội dung mật) đề nghị giải quyết công việc thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngoài bộ hồ sơ giấy đều phải đính kèm file điện tử của toàn bộ hồ sơ trình. Việc gửi song song hồ sơ giấy kèm hồ sơ, văn bản số hóa bắt đầu thực hiện từ ngày 15/12/2011.

Chỉ đạo trên vừa cần thiết đối với công tác triển khai trên thực tiễn của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đồng thời vừa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Quy định này cũng là biện pháp cụ thể để hiện thực hoá những quy định mang tính vĩ mô đã được Đảng và Nhà nước ban hành.

Có thể nêu một số văn bản để minh chứng cho nhận định trên. Ví dụ, Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: Công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển,... Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã khẳng định: Công nghệ thông tin và truyền thông là công cụ quan trọng hàng đầu để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và tăng năng suất, hiệu suất lao động... Cũng trong văn bản này, một trong những mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020 công nghệ thông tin và truyền thông sẽ được ứng dụng rộng rãi, phục vụ khai thác có hiệu quả thông tin và tri thức trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Về thể chế, chỉ tính 5 năm trở lại đây, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành hàng chục văn bản pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, ứng dụng chữ ký số, các văn bản quy định chung về kỹ thuật,… để phục vụ cho hoạt động quản lý. Ngoài ra vấn đề quản lý văn bản điện tử còn được quy định trong nhiều luật ngành như: pháp luật về hải quan, thuế, ngân hàng, cơ yếu, lưu trữ…

Về hạ tầng kỹ thuật, trong những năm qua, hầu hết các Bộ, ngành trung ương đến tỉnh thành, các tập đoàn kinh tế nhà nước đã được đầu tư xây dựng website, cổng thông tin điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực,… Nhiều cơ quan đã tích cực ứng dụng giao dịch điện tử phục vụ hoạt động quản lý điều hành, trong giao dịch với người dân và doanh nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính đã phát huy hiệu quả, bước đầu tạo lòng tin, thói quen của nhân dân, doanh nghiệp trong việc tiếp xúc với các dịch vụ công. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận việc đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động quản lý thực sự chưa đạt được những thành tựu như mong đợi.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện số hóa các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ ngày 15/12/2011 còn là yêu cầu đối với các Bộ, ngành, tỉnh thành, doanh nghiệp cần phải chứng minh những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính đã và đang triển khai những năm qua. Đồng thời, đây cũng là đòi hỏi khách quan của công cuộc cải cách hành chính mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực thực hiện./.

TS. Nguyễn Cảnh Đương
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

(Nguồn: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất