Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 13/5/2009 22:55'(GMT+7)

Điều chỉnh học phí phải gắn với chất lượng giáo dục và đào tạo

Các đại biểu thảo luận tại Hội trường - Ảnh Chinhphu.vn

Các đại biểu thảo luận tại Hội trường - Ảnh Chinhphu.vn

Mức học phí không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình

Theo Tờ trình của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trình bày, một trong những nội dung quan trọng của đề án là đề xuất thay đổi về chính sách học phí. Theo đó, Đề án sẽ sửa đổi chế độ học phí của các trường công lập theo hướng mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác cho bậc học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Mức học phí cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và hộ gia đình trên địa bàn.

Đề án cũng sẽ thực hiện miễn học phí đối với học sinh tiểu học, miễn học phí cho học sinh thuộc diện chính sách, thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia, giảm học phí cho các đối tượng cận nghèo và gia đình chính sách.

Đối với sinh viên sư phạm, Đề án thực hiện thay đổi chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng sinh viên. Khi sinh viên ra trường, nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với đại học, cao đẳng) và 3 năm (đối với trung cấp chuyên nghiệp) thì Nhà nước sẽ xóa nợ cả gốc và lãi phần chi trả cho học phí.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ thực hiện cấp trực tiếp học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí khi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học để thực hiện đóng học phí ở các cơ sở đào tạo…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây không phải là đề án tăng học phí mà thực chất là quá trình đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong ngành giáo dục - đào tạo cho phù hợp với tình hình mới hiện nay. Nguyên tắc cơ bản là học phí phù hợp với khả năng chi trả, không là gánh nặng đối với mỗi gia đình, bước đầu thực hiện “3 công khai” trong ngành giáo dục - đào tạo là chất lượng đào tạo, nguồn lực đào tạo và tài chính giáo dục.

Sẽ điều chỉnh học phí theo lộ trình

Theo các đại biểu, đây là một Đề án có ý nghĩa lớn của ngành giáo dục - đào tạo, có ảnh hưởng đến toàn xã hội. Các đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải tăng đầu tư cho giáo dục, tuy nhiên cũng cân nhắc cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, sử dụng tài chính như một công cụ đắc lực để khuyến khích các cơ sở giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng và hiệu quả, sao cho khi kết thúc Đề án, chất lượng giáo dục đại trà về cơ bản phải đạt chuẩn.

Về chính sách học phí và hỗ trợ người học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi và nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn mức học phí mới không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình là còn cao. Ông Thi cho biết, ở các nước phát triển, con số này là từ 2-10%. Như vậy đối với nước ta, một nước đang phát triển, thì mức 6% cần xem xét, bởi thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay còn thấp, đa phần học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn nghèo và khó khăn. Vì thế, ông Thi và nhiều đại biểu đề nghị, Đề án cần sớm có các chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên vùng nông thôn, vùng khó khăn.

Ngoài ra, lộ trình tiến tới miễn học phí đối với cấp trung học cơ sở cũng cần phải được làm rõ vì hiên nay theo mục tiêu của Chiến lược giáo dục thì tới năm 2010 nước ta sẽ phổ cập xong giáo dục trung học cơ sở.

Tán thành với nội dung Đề án mà Ban soạn thảo đưa ra, Giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý, việc tăng học phí cần có lộ trình cụ thể, từng bước để không gây tác động mạnh đến đời sống nhân dân; đặc biệt không để các trường tự tiện tăng học phí mà phải gắn liền với tăng chất lượng giáo dục và đào tạo.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, nên thực hiện việc tăng học phí từ năm 2010, không nên thực hiện ngay trong năm 2009 vì kinh tế trong nước đang gặp khó khăn.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với việc lùi thời gian thực hiện Đề án học phí mới sau 1 năm. Tuy nhiên, để đảm bảo một phần kinh phí hoạt động cho các trường đại học, cao đẳng công lập, Phó Thủ tướng kiến nghị cần tăng 50% học phí so với trượt giá của năm 2000. Tức là học phí trung bình hiện nay là 180.000 đồng/tháng thì sẽ tăng thêm là 50.000 đồng/tháng.

Các đại biểu cũng nhất trí về việc trình Đề án này trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Vì thế, đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tác động của đề án đối với ngân sách và xã hội.

Giang Oanh (Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất