Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 15/4/2010 21:56'(GMT+7)

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước: Khẳng định vị thế!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)


Không chịu “lép vế”

Theo một lãnh đạo của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), trước thời điểm thị trường bán lẻ được mở hoàn toàn cho các DN bán lẻ nước ngoài, nhiều người đã lo ngại DN bán lẻ trong nước sẽ không trụ nổi trước sự cạnh tranh với những nhà bán lẻ nước ngoài nhưng thực tế lại trái ngược. Do các DN bán lẻ trong nước cũng xác định được điều đó nên họ đều có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, ngay cả khi các nhà bán lẻ nước ngoài với tiềm lực tài chính rất mạnh, có kinh nghiệm quản lý chuẩn mực thì họ cũng không thể quán xuyến hết các phân đoạn thị trường. Vì thế, thị trường bán lẻ vẫn còn chỗ cho các DN trong nước phát triển, khẳng định.

Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng trong nước đã rất quen thuộc với các “đại gia” trong ngành bán lẻ Việt Nam: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Phú Thái Group; Nguyễn Kim Sài Gòn, Saigon Corp, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)... Điều này khác rất xa so với 5 năm về trước. Có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng là sự dày công đầu tư phát triển và vượt qua nhiều sức ép tồn tại của các DN bán lẻ Việt Nam. Hầu hết các nhà bán lẻ trong nước đã mở rộng mạng lưới, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, nhân lực trong năm 2009. Cụ thể: Hapro cùng với Công ty TNHH Trí Phúc khai trương 4 siêu thị đồng giá mang thương hiệu Daiso (đây là thương hiệu được Tập đoàn siêu thị đồng giá Daiso Nhật Bản nhượng quyền) tại Hà Nội; khai trương 2 siêu thị Hapro Mart mới tại chợ Bưởi và khu chung cư Kim Chung-Đông Anh, nâng tổng số siêu thị, cửa hàng tiện ích của đơn vị lên 30 điểm kinh doanh tại Hà Nội và 4 tỉnh phía Bắc. Không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ tại các thành phố lớn, có sức mua cao nhiều DN bán lẻ cũng đã tăng cường mở rộng mạng lưới bán lẻ ra các tỉnh thành. Đại diện Saigon Corp cho biết: Tại tỉnh Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu đơn vị đã khai trương, đi vào hoạt động thêm 2 siêu thị mới, nâng tổng số siêu thị của đơn vị lên 37 siêu thị các loại. Hay trường hợp của Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Sài Gòn, Thế giới di động, Viễn thông A …đã được giới bán lẻ đánh giá là một hiện tượng kinh doanh hiệu quả. Từ địa bàn phía Nam, các thương hiệu này đã “Bắc tiến” và nhanh chóng hút khách hàng tại Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận.

Gần đây nhất, sau hơn một năm chuẩn bị, Trần Anh - một tên tuổi vốn quen thuộc với giới công nghệ và các khách hàng trên thị trường bán lẻ máy tính đã chính thức gia nhập thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam bằng việc khai trương hệ thống siêu thị điện máy tại Hà Nội. Tổng diện tích kinh doanh của hai địa điểm này là 7.000 m2, cung cấp đa dạng nhiều mặt hàng thuộc các lĩnh vực thiết bị văn phòng, máy tính và linh kiện, thiết bị giải trí số, điện thoại, điện tử - điện lạnh…

Phía trước còn nhiều thách thức

Nhận định về thị trường bán lẻ tại Việt Nam, TS ĐinhThị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có yếu tố thuận lợi để phát triển như: nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao; chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài tốt. Bên cạnh đó, với xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước, sức mua của người dân ngày càng tăng cao, nhiều chuyên gia dự báo thị trường bán lẻ nước ta sẽ tăng trưởng khoảng 20 – 25% trong năm 2010.

Tuy nhiên, DN bán lẻ của Việt Nam còn nhiều điểm yếu cần khắc phu như: tính chuyên nghiệp yếu vì nguồn nhân lực chưa qua đào tạo, chỉ có khoảng 6 - 7% nhân lực được đào tạo chuyên ngành, 60 - 70% các đơn vị kinh doanh chưa sử dụng công nghệ thông tin vào lãnh vực quản lý và khoảng 20% đơn vị mới xây dựng web đơn giản với nội dung nghèo nàn. Đặc biệt, theo cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO thì “Từ ngày 1/1/2010, các DN đầu tư nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ bán buôn, bán lẻ tất cả các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam”. Đó là thách thức lớn cho DN bán lẻ trong nước.

Về lâu dài, DN bán lẻ trong nước muốn tồn tại và phát triển được vẫn phải có sự thay đổi về căn bản. Trước hết để thoát khỏi tư duy manh mún nhỏ lẻ, các DN phải liên kết, hùn vốn lại thành những tập đoàn phân phối lớn, từ đó mới có khả năng cạnh tranh với những tập đoàn phân phối khổng lồ của nước ngoài. Hoạch định và thực hiện chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, xây dựng chính sách chất lượng, tăng cường trang thiết bị hiện đại phục vụ kinh doanh; xây dựng và phát triển thương hiệu, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực. Nhà nước sớm xây dựng định hướng, chiến lược cho sự phát triển của hệ thống phân phối cả về hạ tầng thương mại, hệ thống pháp lý, đào tạo nhân lực… tạo môi trường ổn định cho DN phát triển. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích DN trong nước đầu tư đổi mới và mở rộng hệ thống phân phối bằng các nguồn vốn ưu đãi trong các chương trình phát triển, có chính sách ưu đãi về thuế và đất đai, đổi mới công nghệ cũng như được hỗ trợ về thông tin thị trường, dự báo giá cả và xúc tiến thương mại./.

Quang Nhật - Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất