Thứ Năm, 19/9/2024
Thế giới
Thứ Năm, 5/9/2019 12:36'(GMT+7)

Điều gì sẽ xảy ra nếu Amazon không được cứu?

Lính cứu hỏa đang dập tắt đám cháy trong rừng Amazon ở thành phố Porto Velho, Brazil. (Ảnh: Reuters).

Lính cứu hỏa đang dập tắt đám cháy trong rừng Amazon ở thành phố Porto Velho, Brazil. (Ảnh: Reuters).

Trước những diễn biến phức tạp của đợt cháy trên diện rộng ở rừng Amazon, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi cần bảo vệ rừng Amazon bằng mọi giá.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã ngỏ ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về tình trạng hiện tại của rừng Amazon, bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ từ ngày 20 đến 23-9 tới.

Trong một tuyên bố chính thức, ông Antonio Guterres nhấn mạnh “tình trạng rừng Amazon hiện tại rõ ràng là rất nghiêm trọng”, đồng thời bày tỏ hy vọng “cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ để hỗ trợ các nước trong khu vực Amazon chấm dứt các đám cháy một cách nhanh nhất có thể bằng mọi phương tiện khả thi và sau đó triển khai một chính sách trồng rừng toàn diện”.

Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) thông báo đã ghi nhận được 1.040 đám cháy đang diễn ra tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới vốn được mệnh danh là “lá phổi" của hành tinh này. Các số liệu chính thức cho thấy gần 80.000 vụ cháy rừng được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, con số cao nhất kể từ năm 2013. Trong số đó, có hơn một nửa số vụ cháy rừng xảy ra ở khu vực Amazon.

Trước tình hình nghiêm trọng này, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ra lệnh cho quân đội tham gia đối phó với các đám cháy rừng. Nhà lãnh đạo Brazil thông báo rằng, các nước Nam Mỹ sẽ nhóm họp tại thành phố Leticia của Colombia vào ngày 6/9 nhằm vạch ra một chính sách chung để bảo vệ rừng Amazon.

Tổng thống Jair Bolsonaro cũng tuyên bố chấp nhận viện trợ quốc tế chống cháy rừng với điều kiện Brasilia sẽ điều phối các nguồn lực trên, đồng thời ký sắc lệnh cấm đốt rừng làm rẫy trên toàn lãnh thổ trong 60 ngày. Các động thái này được cho là sự nhượng bộ trước sức ép quốc tế của vị nguyên thủ theo đường lối cứng rắn này. Trước đó, ông Jair Bolsonaro đã từ chối khoản tiền hỗ trợ mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất để cứu các đám cháy rừng Amazon đang ngày càng lan rộng.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra gần đây tại thành phố Biarritz, Tây Nam nước Pháp, G7 đã nhất trí chi 20 triệu euro (tương đương 22 triệu USD) cho rừng Amazon, trong đó chủ yếu là để điều các máy bay cứu hỏa tới khống chế đám cháy đang bao trùm khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này và kế hoạch tái trồng rừng trong trung hạn. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Bolsonaro cho rằng kế hoạch lập "liên minh" để cứu rừng Amazon coi quốc gia Nam Mỹ này "như thể là một thuộc địa hay một vùng đất không người". Do đó, Chính phủ Brazil đã từ chối nhận khoản hỗ trợ của G7.

Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua các nước Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp.

Được xem là "lá phổi" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất.

Vì rừng Amazon có tới 60% diện tích thuộc lãnh thổ Brazil nên trẻ em nước này đang trở thành những nạn nhân phải hứng chịu hậu quả trực tiếp từ các vụ cháy rừng Amazon. Theo AP, trong thời gian gần đây số người gặp phải các vấn đề sức khỏe liên quan đến hô hấp đã tăng mạnh, đặc biệt là trẻ em. 

Theo giới chuyên gia, quy mô cháy rừng Amazon đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sống của con người, đẩy nhanh quá trình nóng lên của Trái Đất và trực tiếp nhất là sự đa dạng sinh thái của khu vực luôn được biết đến dưới cái tên “lá phổi xanh” của hành tinh. 

Giáo sư của Đại học Trung ương Venezuela (UCV) Jorge Naveda dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm từ 0,1 đến 0,2 độ C. Ông Jorge Naveda khẳng định, hậu quả của các vụ cháy rừng vừa qua tại Amazon sẽ làm tăng thêm nhân tố tác động tiêu cực tới môi trường, gây hạn hán kéo dài bởi hệ sinh thái vùng Amazon có tầm quan trọng đối với khí hậu trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến lượng mưa và gió.

Trong khi đó, chuyên gia sinh thái thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của UCV Francisco Javier cũng cho rằng thảm họa cháy rừng Amazon sẽ tác động đến sự ấm lên toàn cầu do lượng lớn khí nhà kính sẽ thải vào khí quyển. 

Trong bối cảnh tình trạng cháy rừng đang hoành hành ở Amazon, cộng đồng quốc tế phải phối hợp hành động khẩn cấp với những biện pháp triệt để để cứu "tấm khiên xanh" này của Trái Đất./.

Dương Nguyễn (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất