Theo nhà phân tích chính trị Matthew Dallek thuộc Đại học George Washington, nếu biên giới bị đóng cửa trong một thời gian dài như tuyên bố của tổng thống, nhiều khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ đối mặt với các thách thức về pháp lý.
Trong bối cảnh người di cư vẫn ào ạt đổ về biên giới Mexico mang theo hy vọng về một “giấc mơ Mỹ”, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ông sẵn sàng 100% kế hoạch đóng cửa biên giới phía Nam với quốc gia láng giềng. Nếu điều này thực sự xảy ra, các chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ và cuộc sống của người dân nước này sẽ chịu những tác động nặng nề...
Được biết, nguyên nhân dẫn đến những tuyên bố gay gắt của Tổng thống Donald Trump về vấn đề biên giới là do số người di cư tăng đột biến trong thời gian gần đây, lên tới 10.000 người trong tháng 3, con số cao nhất kể từ năm 2008. Dự báo số người di cư trong năm tài khóa 2019 có thể lên tới một triệu người, cao nhất kể từ năm 2000.
Ông Kevin McAleenan, Chủ tịch Ủy ban Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) nói trong một cuộc họp báo ngày 27/3 rằng hệ thống di cư của Mỹ đã “tới điểm vỡ”. “CBP đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh biên giới chưa từng thấy dọc biên giới Tây Nam”, ông McAleenan nói, đồng thời dẫn chứng rằng tại El Paso, Texas, các trung tâm xử lý đã phải hoạt động tới 400% công suất.
Đứng trước vấn đề về an ninh biên giới, Tổng thống Donald Trump đã
tuyên bố nếu Mexico không ngăn chặn dòng người di cư quá cảnh qua nước
này và nếu Quốc hội Mỹ không hành động, biên giới giữa Mỹ và Mexico 100%
sẽ phải đóng cửa. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, điều này nếu xảy ra sẽ ảnh
hưởng tiêu cực đến kinh tế Mỹ, song khẳng định đối với ông, an ninh quan
trọng hơn kinh tế.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại chưa có một kế hoạch đóng cửa cụ thể nào
được công bố, tuy nhiên các chuyên gia phân tích dự báo nếu tuyên bố của
Tổng thống Donald Trump biến thành hiện thực, nó sẽ gây ảnh hưởng rộng
lớn và ngay lập tức đối với việc trao đổi hàng hóa và cuộc sống của
người dân Mỹ, thậm chí tác động tới cả nền kinh tế toàn cầu.
The New York Times đã ví tác động của việc đóng cửa biên giới giống với
hậu quả của một thảm họa tự nhiên: Gây thiếu lương thực, giá cả tăng
vọt, người thất nghiệp và thị trường chứng khoản giảm mạnh. Tờ báo này
cho rằng trong khi Tổng thống Donald Trump coi việc đóng cửa biên giới
với Mexico là “hình phạt” cho việc quốc gia láng giềng không nỗ lực ngăn
chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp, thì các nhà kinh tế lại cảnh báo
rằng hành động này có thể sẽ làm tê liệt nền kinh tế Mỹ.
Hiện Mexico là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, chỉ sau Canada và
Trung Quốc, với hơn 600 tỷ USD hàng hóa trao đổi qua biên giới trong năm
2018. Hoạt động trao đổi hàng hóa diễn ra hằng ngày, trong đó có hàng
nghìn xe tải chở hàng qua lại các cửa khẩu giữa Mỹ và Mexico. Phòng
Thương mại Mỹ ước tính, lượng hàng hóa và dịch vụ qua biên giới hai nước
mỗi ngày lên tới gần 1,7 tỷ USD; cùng với đó là nửa triệu công nhân,
sinh viên, người mua sắm và khách du lịch.
Vì vậy, các nhà phân tích cho
rằng nếu biên giới hai nước bị đóng cửa hoàn toàn, điều này sẽ làm ngắt
quãng trao đổi thương mại và di chuyển hợp pháp của người dân Mỹ, trong
khi không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Andrew Selee, Chủ tịch Viện Chính sách di cư thậm chí đã ví việc đóng
cửa biên giới tương tự như một vụ “tự sát”: “Bạn nhắm súng về phía Chính
phủ Mexico, nhưng nó lại bật trở lại nền kinh tế Mỹ”.
Cũng cùng nhận
định như trên, ông Paolo Marinaro, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quyền
Công nhân Toàn cầu thuộc Đại học Pennsylvania cho rằng: "Mỹ và Mexico là
những nền kinh tế hội nhập cao. Đóng cửa biên giới sẽ không chỉ ảnh
hưởng đến công nhân Mỹ hoặc Mexico, nó sẽ có tác động lớn đến nền kinh
tế toàn cầu”.
Hạn chế nhập cư là một trong những cam kết nổi bật nhất của ông Donald
Trump trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Kể từ khi
bước chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump không ngừng thúc đẩy việc thực
hiện cam kết này, nổi bật là quyết tâm xây dựng bức tường biên giới với
Mexico bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ.
Thực tế, Tổng thống Donald
Trump hoàn toàn có khả năng kiểm soát dòng người và hàng hóa đến Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Matthew Dallek thuộc Đại học
George Washington, nếu biên giới bị đóng cửa trong một thời gian dài như
tuyên bố của tổng thống, nhiều khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ đối mặt
với các thách thức về pháp lý.
Ông Dallek so sánh việc đóng cửa biên giới với lệnh cấm nhập cư của
Tổng thống Donald Trump đối với người dân các nước Hồi giáo mà ông đã
ban hành ngay sau khi nhậm chức. Mục đích của nó là ngăn chặn người tị
nạn và người dân từ một số quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số nhập
cảnh vào Mỹ. Động thái này đã bị thách thức tại tòa án.
“Sẽ có một đống
người và hàng hóa bị ứ đọng, gây ra áp lực chính trị lớn. Việc đóng cửa
biên giới sẽ không thể kéo dài. Ông Donald Trump sẽ bị buộc phải rút lại
quyết định đóng cửa biên giới hoặc tòa án sẽ can thiệp”, ông Dallek
nhận định./.
Hà Lan (qdnd.vn)