Thứ Tư, 2/10/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 4/12/2010 7:49'(GMT+7)

Dính chất doping, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn đối diện án cấm thi đấu

Đáng thương hay đáng trách?

Cứ giả dụ trường hợp dính doping của Hoàng Anh Tuấn chỉ là “tai nạn”, như đúng tường trình của lực sĩ này do mua thuốc cảm cúm tại Trung Quốc uống hoặc một vài lần uống đồ ngọt có chứa chất cấm mà không biết.

Thế nhưng, dù có vô tình ở mức độ nào thì cũng không thể chấp nhận nổi, một VĐV trọng điểm của TTVN, là đương kim Á quân Olympic Bắc Kinh 2008 lại thiếu hiểu biết như vậy trước một vấn đề quan trọng hàng đầu trong thi đấu thể thao như doping.

Điều đáng nói là Anh Tuấn không phải là trường hợp đầu tiên “chẳng may” dính doping. Trước đó, Ngân Thương (Thể dục dụng cụ) cũng đã từng bị cấm thi đấu vì uống thuốc lợi tiểu, hay như “Nữ hoàng thể hình” Mỹ Linh bị kết luận sử dụng doping năm 2008.

Các VĐV Việt Nam vốn có thói quen là cứ hắt hơi, sổ mũi là tự ý mua thuốc dùng mà không biết trong thuốc có chứa những thành phần bị cấm. Thi đấu trong nước, lại không có bác sỹ chỉ dẫn đã đành, đằng này, Hoàng Anh Tuấn là VĐV chuyên nghiệp hàng chục năm qua và được quan tâm vào loại số 1 VN lại bị dính một cách thiếu hiểu biết như vậy thì thật là vô trách nhiệm và cả hài hước.

Gần một năm tập luyện với bao công sức tiền của nhưng đã bị đổ xuống sông xuống biển chỉ vì tự bản thân mình không có đủ những hiểu biết một cách tối thiểu nhất. Cũng như trường hợp của Ngân Thương, trường hợp của Hoàng Anh Tuấn thật đáng thương và cả đáng trách.

Lỗi không chỉ riêng của Tuấn

Sẽ là bất công nếu như mọi lỗi lầm đều đổ hết lên đầu Hoàng Anh Tuấn. Đơn giản bởi, chính những HLV hay các nhà quản lý bộ môn đó đều có kiến thức rất nửa vời về cách phòng chống doping cũng như danh mục các loại chất cấm. Đơn cử như chất cấm Oxilofrine có trong rất nhiều loại thuốc trị bệnh thông thường nhưng đến khi sự việc của Anh Tuấn “vỡ” ra, tất cả mới giật mình.

Sẽ có người nói nếu Tuấn cứ tự ý dùng thuốc hoặc uống nước ngọt như thế thì kiểm soát làm sao được, thì đó chính là những sự thật phơi bày rõ nét về sự buông lỏng quản lý cũng như thường xuyên nhắc nhở các VĐV của đội ngũ chịu trách nhiệm. Ở một khía cạnh khác, xác định công tác chống doping là nhiệm vụ hàng đầu ở mỗi kỳ thể thao nhưng đến nay, đề án xây dựng trung tâm kiểm tra doping vẫn chỉ dừng lại ở mức độ bản thảo vì kinh phí lớn.

Bởi vậy, trước mỗi giải quan trọng, bộ phận kiểm tra doping của Việt Nam chỉ lấy ngẫu nhiên chừng 10 mẫu rồi gửi đi xét nghiệm. Đó là một số lượng quá ít và việc các VĐV đang dính doping đi thi đấu rồi bị phát hiện không có gì là lạ. Ngay cả cử ra một bộ phận chuyên biệt, chuyên thống kê, kiểm tra các loại chất cấm cũng chưa có và từ xưa tới nay, các HLV hay những nhà quản lý thường phải...học thuộc lòng những chất cấm có tên khó nhớ kia.

Thậm chí, dù có là người hiểu biết sâu rộng về doping nhưng số lượng những người này chỉ đếm trên đầu ngón tay nên công tác kiểm tra sử dụng thuốc men của các VĐV đa phần chỉ chờ vào sự tự giác và cả là...hên xui của các VĐV.

Tuấn chắc chắn sẽ là người phải nhận hình phạt nặng nhất (có thể là cấm thi đấu trong vòng 1 năm) nhưng rõ ràng, những người có liên quan cũng phải có trách nhiệm liên đới.
Đã có quá nhiều bài học nhưng liệu, sẽ lại không có một Hoàng Anh Tuấn tiếp theo?

Điều đó thì chẳng ai dám khẳng định. Chắc chắn là như thế!

Theo Dân trí

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất