Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 24/7/2013 21:48'(GMT+7)

Đinh ninh lời Bác với người có công

Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chỉ thị chọn Ngày 27/7 hằng năm làm ngày Thương binh toàn quốc (sau đổi thành ngày Thương binh, liệt sĩ) mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn khắc ghi, đinh ninh lời Bác.

Trải qua 66 năm làm theo lời Người dạy, khắp nơi trên đất nước ta và cả kiều bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, từ các cấp lãnh đạo cao nhất đến lãnh đạo, chính quyền đến đoàn thể các địa phương, bệnh viện, trường học, các đơn vị bộ đội, công an, các cơ sở xí nghiệp, nhà máy đến mọi tầng lớp nhân dân, từ các cụ già, em nhỏ đều luôn có tấm lòng hướng đến thực hiện ngày càng tốt hơn đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc chu đáo hơn đối với người hy sinh tính mạng hoặc bỏ lại một phần thân thể vì sự nghiệp cao cả thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, vì bình yên cuộc sống của nhân dân và những người, những gia đình có công.

Với tình tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cưu mang giúp đỡ những người thương binh, bệnh binh không còn khả năng lao động, giúp đỡ gia đình họ và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc, giúp đỡ gia đình liệt sĩ. Kể từ năm 1995 đến nay, nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức đảng, chính quyền, các cấp, các ngành của tất cả các địa phương trên cả nước; các tổ chức kinh tế, các tập đoàn, các nhà hảo tâm nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời hoặc một phần, giúp đỡ các mẹ từ những việc nhỏ nhất… Chúng ta đã làm rất nhiều việc thiết thực, ý nghĩa “để họ có nơi ăn chốn ở… mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ tự lực cánh sinh… xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta” như Bác Hồ mong muốn.

Sức lan tỏa của phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã và đang ngày càng có ảnh hưởng rất lớn và tích cực đến mọi tầng lớp nhân dân. Những chương trình nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội, quỹ đền ơn đáp nghĩa, sổ tiết kiệm, chăm sóc thương binh bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già cả cô đơn, con liệt sĩ mồ côi… đều hết sức rõ ràng, cụ thể và thiết thực. Theo đó hằng năm, có hàng nghìn việt tốt được làm, hàng nghìn công trình vì đạo hiếu uống nước nhớ nguồn được khánh thành và bàn giao, đưa vào sử dụng hiệu quả, có ý nghĩa giáo dục to lớn và giá trị sử dụng ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giáo dục tuyên truyền, định hướng nhận thức tư tưởng, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, tránh tình trạng làm theo "thời vụ", chỉ chăm lo đúng ngày 27-7 còn những ngày khác thì không hoặc rất ít; có nơi chưa thật sự công bằng trong thực hiện việc trợ cấp xã hội; chỉ chú tâm lo toan cuộc sống người có công mà quên đạo nghĩa giáo dục truyền thống lòng yêu nước thông qua những tấm gương của các anh hùng liệt sĩ cho các thế hệ trẻ...

Những người có công chẳng những cần được cả xã hội đồng lòng giúp đỡ vật chất, tinh thần, tạo việc làm thiết thực, mà còn phải tôn vinh đúng ý nghĩa của nó, để giá trị giọt máu đào của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công mãi trường tồn theo năm tháng thời gian, nhắc nhở chúng ta noi gương phấn đấu, góp sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.

(Nguồn: Tạp chí XDĐ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất