Nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai các đề án, chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài. Đây là việc làm mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đột phá để đưa địa phương phát triển ổn định, bền vững.
Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích sự năng động, sáng tạo, linh hoạt của các địa phương. Đất nước muốn phát triển hùng cường phải có các địa phương mạnh về tiềm năng, tiềm lực. Các tỉnh, thành phố muốn mạnh phải lấy con người làm nhân tố trung tâm, có chiến lược đầu tư bài bản, đúng hướng để cải thiện, phát triển chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chủ trương thu hút nhân tài là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút được người thực tài, để không lãng phí tiền của và không lãng phí tài năng. Cách các địa phương “định vị” người tài hiện nay chủ yếu là căn cứ vào học hàm, học vị. Người có học hàm, học vị càng cao thì mức đãi ngộ càng lớn. Chẳng hạn, ở tỉnh Hậu Giang, nếu người có học hàm giáo sư, phó giáo sư về tỉnh nhận công tác sẽ được nhận hỗ trợ mức 300 triệu đồng/người; tiến sĩ là 200 triệu đồng/người (tiến sĩ du học ở nước ngoài là 250 triệu đồng/người); thạc sĩ và tương đương 140 triệu đồng/người... Ở nhiều địa phương khác, chính sách thu hút người tài cũng áp dụng tương tự.
Người tài, phải là người học cao hiểu rộng, nhưng chắc chắn không
phải cứ người có bằng cấp cao là người tài. Nhiều người tài không học ở
trường lớp nên không có bằng cấp. Họ tài, bởi họ học ở nhân dân, học lẫn
nhau, học từ đúc rút kinh nghiệm thực tiễn. Bởi vậy, nếu thu hút nhân
tài chỉ dựa vào học hàm, học vị sẽ bỏ sót người thực tài mà không có
bằng cấp. Mặt khác, việc “định vị” nhân tài theo học hàm, học vị sẽ dễ
dẫn đến cuộc chạy đua bằng cấp trong hệ thống chính trị ở các địa
phương. Thay vì cống hiến, một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức sẽ
tìm mọi cách để được đi học, lấy bằng cấp để thăng tiến. Hệ lụy là rất
khó đong đếm!
Thực tế trong đời sống xã hội, nhiều người không có bằng cấp cao
nhưng tài năng, cống hiến cho xã hội của họ lại rất vượt trội. Câu
chuyện về “nhà khoa học chân đất” Trần Quốc Hải ở huyện Tân Châu, tỉnh
Tây Ninh được Quân đội Hoàng gia Campuchia trải thảm đỏ mời sang làm
chuyên gia kỹ thuật và được Chính phủ nước bạn tặng thưởng Huân chương
Đại tướng quân mấy năm trước là một dẫn chứng sinh động về “định vị”
nhân tài. Những con người tài năng như vậy ở các địa phương trong nước
ta không hiếm. Ở Nam Bộ, hàng loạt máy móc, công trình phục vụ sản xuất
cho nhà nông đều là sản phẩm sáng chế của những “nhà khoa học chân đất”.
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một
trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Một người tài năng thực sự sẽ có giá
trị hơn mọi loại bằng cấp.
Rồi chuyện không ít thạc sĩ, kỹ sư được cấp học bổng du học nước
ngoài, khi trở về nước làm việc lương không đủ sống, sắp xếp việc làm
không đúng ngành nghề được đào tạo, phải chạy xe ôm công nghệ kiếm
sống... được báo chí phản ánh gần đây cũng là thực trạng rất đáng suy
ngẫm.
Chính vì vậy, để chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thực sự phát
huy hiệu quả, cần phải xem xét, đánh giá, "định vị”, "định giá" chính
xác nhân tài. Học hàm, học vị là yếu tố cần, nhưng chưa đủ. Năng lực
công tác, hiệu quả cống hiến, công trình sáng tạo ứng dụng trên thực
tế... mới là thước đo chuẩn mực đối với nhân tài. Chính sách thu hút
phải gắn liền với cơ chế sử dụng, đãi ngộ nhân tài tương xứng, phù hợp.
Nếu không, chính sách sẽ tạo ra kẽ hở cho “tham nhũng quyền lực” phát
sinh - loại tham nhũng còn nguy hại hơn nhiều so với tham nhũng kinh tế./.
PHAN TÙNG SƠN (qdnd.vn)