Chúng ta tôn trọng người xin nghỉ việc, từ chức. Việc đó đã có tổ chức xem xét và giải quyết theo đúng quy định của Đảng và pháp luật. Bởi vậy, mỗi người cần có quan điểm, suy nghĩ và thái độ bình thường với việc cán bộ xin nghỉ việc, từ chức; và nên nhìn nhận nó dần trở thành một nét văn hóa trong thực thi công vụ.
Thời gian gần đây, có một số cán bộ giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước xin nghỉ việc, từ chức.
Mỗi người xin nghỉ việc, từ chức đều có lý do riêng của mình. Có người xin nghỉ vì sức khỏe; nghỉ vì đã hết động lực cống hiến; nghỉ vì tạo cơ hội cho người khác; nghỉ vì công việc không phù hợp với chuyên môn; nghỉ vì có định hướng khác trong công việc; nghỉ vì thấy mình không đủ uy tín với tổ chức...
Đáng ra dư luận chẳng phải "đao to búa lớn” bởi đó là nguyện vọng
chính đáng của cá nhân. Hơn nữa, công tác cán bộ trong hệ thống công
quyền theo nguyên tắc “có vào, có ra”, “có lên, có xuống” vốn là chuyện
rất bình thường.
Vậy nhưng, mỗi khi có cán bộ nào đó, nhất là người đang giữ những
chức vụ quan trọng xin nghỉ việc, từ chức thì dư luận lại xăm xoi quá
mức, thậm chí tự mình lý giải một cách gán ghép khiến một việc nên cần
được xem là bình thường lại trở thành bất thường.
Chúng ta tôn trọng người xin nghỉ việc, từ chức. Việc đó đã có tổ chức xem xét và giải quyết theo đúng quy định của Đảng và
pháp luật. Bởi vậy, mỗi người cần có quan điểm, suy nghĩ và thái độ
bình thường với việc cán bộ xin nghỉ việc, từ chức; và nên nhìn nhận nó
dần trở thành một nét văn hóa trong thực thi công vụ.
Việc từ chức, nghỉ việc không nhất thiết phải diễn ra khi có lỗi và
cũng không nên quan niệm đóng khung là chỉ khi cán bộ có lỗi mới phải từ
chức, xin nghỉ việc. Là cán bộ, được hưởng những quyền lợi, ưu đãi
nhưng họ cũng là công bộc của dân.
Khi thấy mình không thể làm tốt vai trò là một công bộc thì từ chức
là việc nên làm. Đó không còn đơn thuần là một hành động mà cần xem nó
là văn hóa đạo đức công vụ. Đương nhiên, ở đây cũng cần loại trừ việc
cán bộ từ chức, xin nghỉ việc nhằm trốn tránh bị xử lý, kỷ luật khi tổ
chức đang trong quá trình xử lý sai phạm của cán bộ này.
Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, hiện còn rào cản khiến việc cán bộ từ
chức, nghỉ việc là lựa chọn khó khăn, đó là sức ép từ dư luận, gia
đình, bạn bè, đồng nghiệp dẫn đến họ không dám. Hơn nữa, đã từ chức,
nghỉ việc trong bộ máy công quyền thì gần như không còn cơ hội quay lại
hệ thống công quyền. Liệu rằng xã hội có dám mạnh mẽ phá bỏ những quan
niệm vốn đã “ăn sâu, bám rễ” này không?
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị Trung ương 7 khóa
XII của Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp
chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ xác
định phải "xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm
trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ".
Trên thực tế, Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản pháp lý quy định để
từ chức trở thành văn hóa cơ bản gắn với trách nhiệm thực thi công vụ
của mỗi công chức, gần đây là Quy định số 41-QĐ/TW “về việc miễn nhiệm,
từ chức đối với cán bộ” của Bộ Chính trị. Đây là hành lang pháp lý cần
thiết và cũng là cơ sở để bình thường hóa một vấn đề đang bị mặc định
như một chuyện bất thường./.
Nguyễn Tuấn (qdnd.vn)